Chuyên mục  


Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người sắp trở thành chủ tịch ủy ban Thượng viện giám sát hàng không, hồi tháng 11 nói với CEO mới của Boeing Kelly Ortberg rằng nếu nhà sản xuất máy bay gặp phải thêm vấn đề an toàn nghiêm trọng đáng bị chú ý nữa thì "sẽ gặp rắc rối rất lớn".

"Tôi nghĩ ông ấy đúng", Ortberg nói với các nhân viên cuối tháng 11. "Chúng ta đang ít bị chú ý, các bạn ạ!", CEO thừa nhận.

Nhưng tháng 12, sóng gió lại đến.

Hôm 31/12, cổ phiếu Boeing khép lại năm 2024 với mức giảm 29,69%, sâu nhất trong 30 doanh nghiệp của chỉ số Dow Jones. Trong khi đó, đối thủ Airbus tăng hơn 9,56% trong năm và S&P 500 đã tăng hơn 24%.

Cổ phiếu Boeing mở đầu năm ở mức 257,5 USD. Tuy nhiên, vụ bung cửa ngày 5/1 trên chiếc 737 MAX mới giao do Alaska Airlines đã dẫn đến các cuộc điều tra và tạm thời đình chỉ hoạt động dòng máy bay một lối đi phổ biến này.

Một chiếc 737 MAX lắp ráp tại nhà máy ở Renton, Washington ngày 25/6. Ảnh: Reuters

Nhưng đó chỉ là sự cố mở màn cho 12 tháng sóng gió. Các nhà đầu tư liên tục nhận thông tin bất lợi của Boeing khi hãng công bố khoản lỗ lớn từ các chương trình thương mại, quân sự và không gian suốt cả năm.

Vào tháng 7, công ty công bố một thỏa thuận trị giá 4,7 tỷ USD mua lại nhà cung cấp thua lỗ Spirit AeroSystems, đơn vị sản xuất thân máy bay 737. Bản thân Spirit cũng đang gặp phải các vấn đề về chất lượng sản xuất.

Cùng tháng đó, Boeing đồng ý nhận tội âm mưu gian lận vì đã lừa dối Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) khi phê duyệt dòng 737 Max. Dưới áp lực nặng nề, CEO David Calhoun từ chức. Phải đến tháng 12, thỏa thuận nhận tội này mới bị Thẩm phán Liên bang Reed O’Connor ở Texas bác bỏ.

Khi David Calhoun rời đi, nhà lãnh đạo hàng không vũ trụ nhiều năm kinh nghiệm Kelly Ortberg gia nhập Boeing để nhận ghế nóng. Nhưng thời kỳ "trăng mật" vô cùng ngắn ngủi. Đầu tháng 9, khoảng 33.000 công nhân đình công vì tranh chấp hợp đồng. Vụ việc kéo dài đến tháng 11, làm tê liệt sản xuất dòng 737 Max, 777 và máy bay chở hàng 767, đẩy cổ phiếu công ty chạm đáy ở mức 137,07 USD.

Trong cuộc đình công, Ortberg công bố kế hoạch giảm 10% lực lượng lao động và dự kiến sẽ tiếp tục đốt tiền vào 2025. Lời hứa cắt chi phí lao động và khởi động lại sản xuất 737 vào đầu tháng 12 giúp cổ phiếu của Boeing phục hồi một phần.

Nhưng Boeing vẫn kém suôn sẻ cho đến những ngày chót. Hôm 29/12, một chiếc Boeing 737-800 của hãng Jeju Air gặp nạn tại sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc), khiến 179 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra nhưng các chuyên gia hàng không cho rằng không nên liên kết sự cố này với các vấn đề an toàn trước đây của Boeing.

Alan Price, cựu phi công trưởng tại Delta Air Lines và hiện là chuyên gia cố vấn, nhấn mạnh rằng máy bay Boeing 737-800 gặp sự cố ở Hàn Quốc là "một dòng máy bay rất đáng tin cậy". "Nó khác với dòng Max. Đây là một máy bay rất an toàn", ông khẳng định.

Dù vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng. Sự cố khiến cổ phiếu Boeing giảm hơn 2% hôm 30/12 trước khi phục hồi được 0,25% ngày giao dịch cuối cùng của 2024, đạt 177 USD.

Hàng thập kỷ qua, Boeing giữ vị thế là một trong những tượng đài sản xuất của Mỹ. Tuy nhiên, các vấn đề liên tiếp trong năm qua đã gây tổn hại nghiêm trọng. Theo tờ Seattle Times, Boeing đã phải chịu đựng hơn 5 năm "bi kịch, sai lầm và thất bại".

Tổng cộng, trong 5 năm kể từ các vụ tai nạn liên quan đến 737 Max xảy ra ngoài khơi Indonesia và Ethiopia vào năm 2018 và 2019, Boeing đã mất hơn 23 tỷ USD và tụt lại phía sau đối thủ châu Âu là Airbus trong việc bán và giao máy bay mới. Với sản lượng đang bị các cơ quan quản lý hạn chế, Boeing đốt hơn 4 tỷ USD tiền mặt mỗi quý. Quy mô thách thức mà ông Ortberg phải đối mặt rất lớn.

CEO Boeing Kelley Ortberg tại nhà máy ở Renton, Washington ngày 8/8. Ảnh: Reuters

"Bài thuốc" mà CEO đưa ra cho Boeing đã được trình bày hồi tháng 11/2024, sau khi ông tìm cách huy động được hơn 21 tỷ USD bằng cách bán cổ phiếu và chấm dứt cuộc đình công bằng cách hứa tăng lương khoảng 43% trong bốn năm.

Theo đó, kế hoạch phục hồi gồm 5 việc chính: ổn định hoạt động bằng cách tăng tốc sản xuất 737 Max để tạo dòng tiền, với mục tiêu trước mắt là xuất xưởng 38 chiếc mỗi tháng; tinh gọn công ty qua sa thải và thoái vốn; kiểm soát các chương trình phát triển đang diễn ra; thay đổi văn hóa công ty để nâng cao an toàn và hiệu suất, và chuẩn bị tung ra máy bay mới trong vài năm tới.

Chuyên gia tư vấn hàng không Trevor Skelly, người từng quản lý nhà máy Collins Aerospace - nhà cung cấp lớn cho Boeing, nhận định rằng kế hoạch ra mắt dòng máy bay mới tiếp theo là tin tốt. Gautam Mukunda, Giáo sư tại Trường Quản lý Yale (Đại học Yale) cũng cho rằng việc công bố kế hoạch ra mắt dòng máy bay mới tiếp theo - 797 - sẽ là yếu tố quan trọng giúp Boeing hồi phục.

Theo ông, nếu muốn tuyển dụng một kỹ sư hàng không hàng đầu thì đó là cách thuyết phục họ thay vì đầu quân cho SpaceX. "Yếu tố trung tâm để xoay chuyển công ty là cam kết thực hiện một điều gì đó thực sự tham vọng, khiến tất cả mọi người tại Boeing hào hứng", ông chỉ ra.

Nếu dòng máy bay mới của Boeing được ra mắt thành công, nó sẽ khôi phục vị thế đang suy yếu của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương như một trong những trung tâm sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Dù vậy, CEO Ortberg thừa nhận phải đợi thêm vài năm. "Thị trường có lẽ chưa phù hợp để ra mắt một mẫu máy bay mới, và công nghệ có thể cũng chưa sẵn sàng. Chúng ta cũng chưa ở vị trí tài chính đủ mạnh để làm điều đó", ông nói với nhân viên.

Ngoài ra, Boeing cũng còn những thách thức khác. Trong cuộc trò chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 11, Ortberg bày tỏ quan ngại về các tác động tiêu cực có thể xảy ra từ chính sách thuế quan vào năm 2025.

Nói với Seattle Times, một chuyên gia lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng tin rằng ông Ortberg đối diện "công việc khó khăn nhất trong kinh doanh tại Mỹ hiện nay". Tuy nhiên, ông cũng có "cơ hội lớn nhất", theo Gautam Mukunda. "Bởi vì người cứu Boeing sẽ trở thành huyền thoại của doanh nghiệp Mỹ", ông nói.

Phiên An (theo Reuters, AP, Seattle Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020