Những người lính này bị kết án hôm 31/12/2024 tại thị trấn Lubero thuộc tỉnh Bắc Kivu, miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi quân đội Congo đã chiến đấu với lực lượng nổi dậy Phong trào 23 (M23) trong gần ba năm qua, cùng những nhóm dân quân khác.
Một binh sĩ quân đội chính phủ Congo đứng gác tại thành phố Sake, gần thủ đô Goma, hồi năm 2012. Ảnh: AFP
Người phát ngôn quân đội Congo Mak Hazukay cho biết kể từ giao tranh nổ ra ở Lubero, tình trạng binh lính hèn nhát tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu đã giúp đối phương đạt được nhiều bước tiến.
"Một số binh lính đáng lẽ phải chiến đấu với kẻ thù ở tiền tuyến nhưng lại thể hiện tính thiếu kỷ luật", ông nói. "Chúng tôi phải tổ chức phiên tòa này để chấn chỉnh".
Tổng cộng có 24 binh lính bị xét xử tại phiên tòa. Ngoài những người bị tuyên án tử hình, 4 người bị kết án 2-10 năm tù, 6 người được tuyên trắng án và một vụ án bị hoãn lại để điều tra thêm.
Công tố viên quân sự Kabala Kabundi cho hay phiên tòa là một phần trong nỗ lực "khôi phục lòng tin giữa quân đội Congo và người dân".
Tất cả những người bị kết án đều không nhận tội và có 5 ngày để kháng cáo.
Miền đông Congo đang chìm trong xung đột, với M23 và khoảng 100 nhóm vũ trang đang tranh giành địa bàn ở khu vực giàu khoáng sản gần biên giới với Rwanda. Một số nhóm đã bị cáo buộc thực hiện các vụ giết người hàng loạt.
Các tay súng M23 ở thị trấn Kibumba, miền đông Congo, hồi năm 2022. Ảnh: AP
Căng thẳng cũng gia tăng giữa Congo và Rwanda, khi hai bên đổ lỗi cho nhau vì đã hỗ trợ các nhóm vũ trang chống chính phủ. Congo cáo buộc Rwanda hậu thuẫn M23.
M23 là một lực lượng vũ trang chủ yếu là người Tutsi đã tách khỏi quân đội Congo cách đây hơn một thập kỷ. Họ đã tiến hành một cuộc tấn công lớn vào năm 2012 và chiếm thủ phủ tỉnh Goma gần biên giới với Rwanda.
Bất chấp các nỗ lực ngừng bắn và đàm phán, trong đó có tiến trình hòa bình Nairobi năm 2022 và các nỗ lực hòa giải hồi tháng 10 do Angola làm trung gian, giao tranh vẫn tiếp diễn. Ở Lubero, M23 đã tiến được vài chục km chỉ trong vài ngày trong tháng 12.
Vị trí Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda. Đồ họa: BBC
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AP, Al Jazeera)