Chuyên mục  


Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề ngày 27/4 cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "đang chịu áp lực đặc biệt" trước khả năng Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt ông và một số quan chức khác.

Trang Walla của Israel đưa tin Thủ tướng Netanyahu những ngày qua "điện đàm không ngừng nghỉ với các bên liên quan", đặc biệt là chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Netanyahu được cho là "đang tìm cách gây áp lực bằng mọi biện pháp gián tiếp" đối với ông Biden.

Theo chuyên gia Israel Ben Caspit, một số người tin rằng lệnh bắt của ICC "chỉ là vấn đề thời gian" và điều này có thể "làm suy giảm nghiêm trọng vị thế quốc tế của Israel". Ngoài Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Tham mưu trưởng Herzi Halevi có khả năng bị ICC phát lệnh bắt.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại sự kiện ở Jerusalem ngày 18/2. Ảnh: Reuters

Trước đó, truyền thông Israel đưa tin chính phủ nước này họp khẩn để bàn cách đối phó khả năng ICC phát lệnh bắt. Giới chức Israel nhận định ICC có thể căn cứ tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza, cùng loạt cáo buộc quân đội nước này vi phạm luật quốc tế về cách đối xử với tù binh và dân thường.

Thủ tướng Netanyahu tuyên bố lệnh bắt mà ICC có thể đưa ra "sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm", dù không làm ảnh hưởng tới hành động của Israel. Ông khẳng định "Israel sẽ không bao giờ ngừng bảo vệ chính mình".

Israel không phải thành viên ICC và không công nhận thẩm quyền của tòa án có trụ sở tại The Hague, Hà Lan.

ICC năm 2019 thông báo điều tra cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh trong chiến dịch chống Hamas năm 2014, chương trình định cư ở Bờ Tây và Jerusalem, hoạt động trấn áp người biểu tình Palestine ở biên giới Dải Gaza. ICC bắt đầu mở cuộc điều tra vào năm 2021 tới nay chưa đưa ra kết luận.

Nam Phi tháng 12/2023 kiện Israel ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc với cáo buộc phạm tội "diệt chủng" chống lại người Palestine ở Dải Gaza. Nam Phi cho biết Israel vi phạm luật pháp quốc tế khi "không ngăn hành động tiêu diệt người Palestine tại Gaza" và "ý định hủy diệt Gaza được nung nấu ở cấp cao nhất tại Israel".

ICJ vào ngày 26/1 yêu cầu Israel lập tức thực hiện nghĩa vụ nhân đạo ở Dải Gaza, song từ chối xem xét liệu nước này có phạm tội diệt chủng hay không. Phán quyết của ICJ còn yêu cầu Israel nên "ngăn chặn và trừng phạt" bất cứ hành vi kích động diệt chủng nào, đồng thời phải phải báo cáo đầy đủ diễn biến chiến sự.

Nguyễn Tiến (Theo ToI, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020