Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Las Vegas ngày 8/12 thông báo loạt chương trình nâng cấp đường sắt sử dụng nguồn vốn liên bang. Chính quyền Biden hy vọng sẽ hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Mỹ từ Las Vegas đến Los Angeles vào năm 2028.
Tuyến đường sắt cao tốc này sẽ rút ngắn hành trình còn hai giờ 40 phút, so với 5 tiếng di chuyển bằng ôtô. Mỹ đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hành khách được vận chuyển bằng đường sắt vào năm 2040.
"Các bạn không biết tôi vui thế nào đâu," ông Biden nói tại Texas. Dự án này sẽ "đưa đất nước chúng ta trở lại với đường sắt bằng hệ thống nhanh nhất, an toàn nhất và xanh nhất thế giới".
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Las Vegas, bang Nevada, ngày 8/12. Ảnh: AFP
Ông Biden cho hay Trung Quốc đã vận hành những đoàn tàu tốc độ 350 km/h, đồng thời chỉ trích cựu tổng thống Donald Trump vì đã không cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ lúc đương nhiệm.
"Ông ấy thích nói Mỹ là một quốc gia thất bại", Biden nói. "Rõ ràng ông ấy không biết mình đang nói cái gì cả."
Ông Biden nổi tiếng là người yêu đường sắt, thường xuyên ngồi tàu từ nhà ở Delaware tới Washington làm việc thời còn là thượng nghị sĩ.
Các dự án đường sắt trị giá 8,2 tỷ USD là một phần trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mà ông Biden thúc đẩy ngay sau khi nhậm chức, trong đó phân bổ 66 tỷ USD cho tàu chở khách.
Đây là số tiền lớn nhất được phân bổ cho ngành đường sắt chở khách từ khi Công ty Vận tải Hành khách Quốc gia Mỹ (Amtrak) thành lập năm 1971. Amtrak được thành lập để giảm tải gánh nặng vận chuyển hành khách tư nhân và đang vận hành các tuyến đường sắt liên thành phố khắp nước Mỹ.
"Dự án sẽ là bước ngoặt chuyển đổi cho ngành đường sắt chở khách của Mỹ", Laura Mason, phó chủ tịch điều hành Amtrak, bày tỏ.
Khoản ngân sách này sẽ được dùng để xây dựng các tuyến đường sắt mới và mở rộng các tuyến hiện có, tăng cường dịch vụ, nâng cấp nhà ga và xây dựng các đoàn tàu tốc độ cao hiện đại. Một tuyến giữa San Francisco và Los Angeles đang được xây dựng, giống như tuyến Los Ageles - Las Vegas và sẽ nhận nguồn vốn khoảng ba tỷ USD.
Tuyến đường nối New Orleans, Louisiana với Mobile, Alabama sẽ được mở cửa trở lại sau gần 20 năm từ khi bị bão Katrina phá hủy.
Jim Mathews, người đứng đầu Hiệp hội Hành khách Đường sắt Mỹ, cho hay tàu hỏa đóng ai trò quan trọng trong việc mở rộng miền tây vào thế kỷ 19, nhưng mạng lưới ngày nay chỉ còn hoạt động ở mức cơ bản.
Dịch vụ đường sắt vẫn vận hành tương đối thường xuyên ở vùng đông bắc, nhưng hành khách mất từ hai đến hai ngày rưỡi để di chuyển từ phía đông đến phía tây nước Mỹ. "Bạn sẽ phải đổi tàu ở Chicago," Mathews nói. "Và nếu muốn có vé ở khoang giường nằm, bạn phải đặt trước nhiều tháng."
Laura Mason (phải), phó giám đốc điều hành Amtrak, đi dạo trong sân ga Union ở thủ đô Washington ngày 28/11. Ảnh: AFP
Mason cho hay ngoài sửa chữa đường ray và đóng đoàn tàu mới, dự án còn "thay đổi cách mọi người di chuyển và khuyến khích chuyển đổi phương thức đi lại từ ôtô, máy bay sang tàu hỏa". Bà nhận định tình hình hiện nay thuận lợi cho việc đi lại bằng tàu hỏa.
"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi thực sự do đại dịch và cách mọi người muốn di chuyển", bà nói. Có người chọn đi tàu vì muốn bảo vệ môi trường, có người muốn yên tĩnh, thuận tiện hoặc đơn giản là "để trải nghiệm".
Hồng Hạnh (Theo AFP)