Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuần trước thông báo nước này sẽ chuyển giao cho Ukraine 50 quả bom tăng tầm HAMMER mỗi tháng từ nay đến cuối năm 2024. Ông cũng cho biết mẫu bom này, vốn được thiết kế để trang bị cho chiến đấu cơ Mirage và Rafale, đã được chỉnh sửa để có thể gắn trên máy bay do Liên Xô sản xuất trong biên chế không quân Ukraine, song không tiết lộ dòng cụ thể.
"Loại bom này sẽ giúp quân đội Ukraine tập kích mục tiêu nằm sâu sau phòng tuyến Nga", ông Lecornu nhấn mạnh.
Chiến đấu cơ Rafael mang theo bom HAMMER. Ảnh: BQP Pháp
HAMMER là bom tăng tầm do tập đoàn quốc phòng Safar của Pháp phát triển từ những năm 1990, được đưa vào biên chế quân đội nước này từ năm 2007. Về mặt kỹ thuật, nó là loại bom thông thường được hoán cải thành bom thông minh bằng việc gắn thêm kit chuyển đổi, tương tự dòng JDAM do Mỹ sản xuất.
Bản tiêu chuẩn gồm một quả bom 250 kg với hệ thống dẫn đường gắn ở phần mũi và bộ kit tăng tầm (REK) ở phần đuôi.
HAMMER còn có các phiên bản sử dụng bom 100 kg, 500 kg và 1000 kg. Kit chuyển đổi của nó cũng có thể được dùng với bom xuyên phá boong-ke BLU-109/B nặng 900 kg của Mỹ.
Bom sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi định vị vệ tinh GPS, giúp nó có thể tấn công chính xác mục tiêu cố định đã được cung cấp tọa độ cụ thể. Một số biến thể được trang bị hệ thống dẫn đường ở pha cuối, như đầu dò laser bán chủ động hoặc cảm biến ảnh hồng ngoại, giúp nó có thể tập kích cả mục tiêu di động và tăng độ chính xác của đòn đánh.
Safar cũng cung cấp các tùy chọn dẫn đường khác để bom HAMMER có thể hoạt động ở môi trường không có định vị vệ tinh GPS, nhằm đối phó biện pháp tác chiến điện tử, gây nhiễu của Nga.
Điểm khác biệt của bom HAMMER so với dòng JDAM là nó được trang bị thêm động cơ rocket sử dụng nhiên liệu rắn, lý do khiến nó còn được gọi là tên lửa. Bom HAMMER và JDAM-ER, phiên bản được trang bị kit tăng tầm của JDAM, đều có tầm bay tối đa khoảng 70 km khi được thả ở độ cao lớn, song mẫu bom của Pháp có thể bay xa hơn khi thả ở độ cao thấp nhờ có động cơ rocket, điều mà dòng JDAM không có.
Động cơ rocket và hệ thống dẫn đường cũng giúp bom HAMMER có thể bay theo quỹ đạo thẳng hoặc hướng lên trên, thay vì chỉ hướng xuống như bom JDAM. Điều này giúp nó có thể bay qua địa hình đồi núi, cũng như phóng từ khu vực có nhiều vật cản, dễ ẩn nấp.
Bom HAMMER. Ảnh: Wikimedia
Nếu được Pháp chuyển loại bom HAMMER có khối lượng lớn hơn bản tiêu chuẩn, Ukraine có thể sử dụng chúng để tập kích nhiều mục tiêu hơn so với bom JDAM-ER khối lượng 250 kg hiện nay. Phiên bản HAMMER cấu tạo từ bom xuyên phá boong-ke BLU-109/B sẽ giúp lực lượng Ukraine phá hủy các mục tiêu kiên cố như cầu hay hầm ngầm.
Hiện chưa rõ bom HAMMER sẽ được Ukraine trang bị cho máy bay nào, song nhiều khả năng sẽ là tiêm kích Su-27 và MiG-29, hai mẫu chiến đấu cơ đã được không quân Ukraine hoán cải trước đó để sử dụng được bom JDAM-ER, vốn có kích thước và khối lượng tương tự HAMMER. Một ứng viên khác để gắn bom HAMMER là cường kích Su-24, hiện đã được chỉnh sửa để có thể khai hỏa tên lửa hành trình Storm Shadow/EG SCALPS.
"Bom HAMMER sẽ mang tới cho không quân Ukraine năng lực tấn công chính xác lực lượng Nga, bao gồm cả những mục tiêu ở xa tiền tuyến. Tầm bay xa của nó giúp phi công có thể tung đòn đánh ở ngoài tầm hoạt động của hệ thống phòng không đối phương, giảm nguy cơ bị bắn hạ", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận định.
Phạm Giang (Theo Drive, Newsweek, Defense News)