Chuyên mục  


z62111591403647572fec525966112e954ede1de9c99f7-17363981233901363408740.jpg

Ông Đinh Văn Lượng, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.H

Ngày 9-1, Chương trình Chống lao quốc gia phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị "Giới thiệu các hướng dẫn và chính sách mới trong phòng chống bệnh lao" cho 63 tỉnh/thành phố.

Hội nghị cập nhật ba hướng dẫn kỹ thuật mới của Bộ Y tế, Chương trình Chống lao quốc gia về chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Hướng dẫn nhằm phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng, cơ sở y tế; chẩn đoán, điều trị bệnh nấm Aspergillus phổi mạn tính. Từ đó tăng cường phát hiện bệnh, điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh lao.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đinh Văn Lượng, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, trưởng ban chấp hành Chương trình Chống lao quốc gia, chia sẻ bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, bệnh lây truyền qua đường không khí nên rất khó kiểm soát.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 12 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời đứng thứ 10 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Mỗi năm Việt Nam có thêm 182.000 người mới mắc lao và khoảng trên 13.000 người tử vong do lao. Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 57% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể).

"Như vậy còn khoảng 43% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc được phát hiện/điều trị nhưng chưa báo cáo.

Nguyên nhân do hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao còn chưa đầy đủ. Đặc biệt, còn nhiều người dân kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân mắc lao. Bản thân người bệnh không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh hoặc trì hoãn phát hiện muộn đang làm lây lan bệnh cho người khác", ông Lượng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó ông Lượng cũng cho rằng khó khăn đối với công tác phòng chống lao hiện nay là việc phát hiện sớm và điều trị bệnh lao cho nhóm người dễ tổn thương, người có nguy cơ cao đòi hỏi đầu tư nguồn lực rất lớn.

Thời gian qua các dự án hỗ trợ các địa phương trong việc thúc đẩy chuyển giao khám chữa bệnh lao. Trong đó, dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, do tổ chức FHI 360 triển khai, hỗ trợ chương trình lao ở cấp quốc gia và tại 11 tỉnh, thành phố.

"USAID và Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục hợp tác để đảm bảo tất cả các cấp trong hệ thống y tế có đủ năng lực để tiếp cận tới những nhóm cộng đồng dễ tổn thương và cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao tới những đối tượng cần hỗ trợ.

Mục tiêu hướng đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và duy trì công tác kiểm soát bệnh lao nhằm giảm tỉ lệ mắc lao 90%, giảm tỉ lệ tử vong do lao 95%, và giảm các chi phí thảm họa đối với bệnh nhân lao xuống mức bằng 0", ông Lượng nói.

Những nhóm bệnh lao được đến thẳng bệnh viện cấp chuyên sâu

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng phổ biến danh mục bệnh lao được chuyển thẳng đến bệnh viện cấp chuyên sâu. Cụ thể, trong danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được khám chữa bệnh tại cấp chuyên sâu không cần giấy chuyển viện, nhiều nhóm bệnh lao đã được đưa vào danh mục.

Các bệnh như kháng các thuốc chống lao; viêm màng não do lao; u lao màng não; lao khác của hệ thần kinh; lao hệ thần kinh, không xác định, người bệnh có thể đến trực tiếp cơ sở y tế cấp chuyên sâu không cần chuyển viện theo quy định.

Quy định đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh lao được tiếp cận với cơ sở y tế có chuyên môn phù hợp, kịp thời điều trị cho người bệnh.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020