"Chiến sự tại Ukraine đã trở thành cuộc xung đột xoay quanh đạn dược", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 23/1 nhận định. "Điều quan trọng là các thành viên liên minh phải tích đạn đầy kho trong lúc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine".
NATO ký thỏa thuận mua đạn pháo 155 mm trị giá 1,1 tỷ EUR (khoảng 1,2 tỷ USD) thay mặt cho một số thành viên của liên minh, những nước này sẽ chuyển đạn cho Ukraine hoặc lấp đầy kho đạn vốn đã cạn kiệt.
Theo các quan chức NATO, thương vụ này sẽ cung cấp khoảng 220.000 quả đạn pháo và lô hàng đầu tiên dự kiến được chuyển vào cuối năm 2025. Số đạn này sẽ do một công ty Pháp và một doanh nghiệp quốc phòng Đức cung cấp.
Đạn pháo 155 mm trên dây chuyền sản xuất tại Unterluess, Đức tháng 6/2023. Ảnh: Reuters
NATO năm ngoái đưa ra kế hoạch tăng cường sản lượng ngành công nghiệp quốc phòng và đã ký các hợp đồng mua đạn chung với trị giá khoảng 10 tỷ USD. Trong số các hợp đồng đã ký có thỏa thuận mua tới 1.000 đạn tên lửa Patriot sản xuất tại châu Âu được ký hồi tháng 12/2023.
Các quốc gia châu Âu tìm cách bổ sung kho đạn và tăng sản lượng của ngành công nghiệp quốc phòng trong lúc diễn ra hoài nghi về hỗ trợ cho Ukraine trong tương lai của Mỹ. Tổng thư ký NATO tuyên bố các bên ủng hộ Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí và đạn dược mà nước này cần.
Ông Stoltenberg ngày 23/1 thừa nhận NATO "không nhận thấy bất cứ mối đe dọa nào từ Nga" đối với thành viên của liên minh. Tuy nhiên, NATO sẽ tiếp tục duy trì năng lực răn đe với cuộc tập trận lớn nhất trong 35 năm qua, dự kiến bắt đầu vào cuối tuần này.
"Chúng tôi làm tất cả điều này để đảm bảo liên minh đủ lực lượng, khiến Nga không tính toán sai lầm hoặc đánh giá thấp sự sẵn sàng của NATO trong việc bảo vệ từng tấc lãnh thổ của liên minh", ông Stoltenberg nói. "Sẽ không có bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lãnh thổ NATO khi chúng tôi làm điều này".
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters)