Chuyên mục  


Anh Trần Minh, nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho biết quen một người bạn qua zalo. Ban đầu, người này nhờ anh đăng nhập vào webiste đánh giá sản phẩm có tên valentinorevenue.com/index..., nhằm hỗ trợ bạn lúc có việc đột xuất. Người này sau đó gợi ý anh đăng ký tài khoản trên website và tham gia review (đánh giá) sản phẩm, nhận hoa hồng, xem như có thêm nguồn thu nhập ngoài giờ.

Để tham gia, anh được yêu cầu ứng trước tiền bằng cách chuyển vào tài khoản ngân hàng của một người đại diện. Anh thực hiện các thao tác trên website và hoàn thành việc đánh giá các sản phẩm, nhận hoa hồng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, anh thậm chí "quay thưởng" được vào phần quà tiền mặt có giá trị hàng chục triệu đồng. Sau mỗi bước "quay thưởng" này, hệ thống lại yêu cầu anh ứng thêm tiền ký quỹ để tiếp tục làm nhiệm vụ, sau đó mới rút được tiền về.

Nhận thấy cơ hội kiếm tiền tốt, anh Minh dần nâng số tiền nộp vào, từ 2 triệu đồng, lên 30 triệu đồng, sau đó lên tổng cộng 200 triệu đồng.

Khi anh làm lệnh rút tiền, nhân viên trên website lại thông báo giao dịch này chưa đáp ứng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, do đó tiếp tục yêu cầu anh nộp tiền thêm. Anh có cảm giác bất an nhưng vì đã "phóng lao phải theo lao", nên vẫn nộp tiền thêm với hy vọng lấy lại được mấy trăm triệu đã bỏ vào. Tổng cộng, theo các yêu cầu của nhân viên hệ thống, anh Minh nộp vào tổng cộng hơn 500 triệu đồng, nhưng tiền vẫn không thể rút về tài khoản.

Lúc này, anh mới tả hóa, biết mình bị lừa, không thể lấy lại được tiền. Anh liên hệ với ngân hàng - nơi người nhận tiền mở tài khoản - để nhờ phong tỏa tài khoản, nhưng bất thành. Bởi quy định hiện hành không cho phép ngân hàng có quyền can thiệp phong tỏa tài khoản người nhận, khi chưa có yêu cầu từ cơ quan chức năng.

"Phía ngân hàng hướng dẫn tôi liên hệ cơ quan an ninh mạng trình báo. Khi có đề nghị của bên này, ngân hàng mới có thể thực hiện tra soát hay phong tỏa tài khoản", anh nói.

Song anh Minh cho biết, khi liên hệ công an để làm đơn tố cáo, anh bất lực vì không biết "đề đơn kiện ai", vì mọi thao tác là trên website ở môi trường mạng. Về phía người nhận tiền, anh cũng không có bất kỳ thông tin gì thêm ngoài họ tên người này.

Giao diện của website review sản phẩm online mà anh Minh tham gia. Ảnh: Quỳnh Trang

Trường hợp này, Luật sư Lương Huy Hà, Giám đốc Công ty Luật Lawkey, cho biết người bị lừa đảo cần thu thập tất cả thông tin như nội dung tin nhắn trao đổi, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản... Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại phải ngay lập tức tố giác hành vi lừa đảo này tới cơ quan có thẩm quyền nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được giải quyết.

Không chỉ anh Minh, thời gian qua, nhiều người cũng bị kẻ gian lừa đảo qua các chiêu thức như việc làm online hoặc đầu tư thụ động. Mô thức chung là kẻ gian sẽ tạo lập các website hoặc ứng dụng, tạo niềm tin cho nạn nhân, sau đó thao túng tâm lý để họ chủ động chuyển tiền.

Như trường hợp của chị Loan (Nghệ An) hôm cuối tháng 5 đã bị lừa "làm nhiệm vụ bấm like, thả tim" cho một khách sạn và đã nộp 500 triệu đồng, song mất hết.

Ngoài các chiêu thức này, cuối năm cũng là dịp bùng phát các hành vi lừa đảo khác như gọi điện giả danh cơ quan công an, điện lực, mạo danh ngân hàng xác thực sinh trắc học, hack tiền thẻ tín dụng...

Đầu tháng 12, anh Hoàng Minh (ở huyện Tuy Phước, Bình Định) tá hỏa khi hơn 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng bị rút sạch, sau khi thực hiện theo hướng dẫn từ một người tự xưng là nhân viên điện lực.

Anh Minh cho biết, người này gọi điện yêu cầu anh thanh toán tiền điện tháng 11, sau đó đề nghị kết bạn qua Zalo để gửi đường link tải ứng dụng. Do chưa thanh toán tiền điện nên anh tin lời, cài app và nhập thông tin tài khoản ngân hàng.

Mất tiền oan, anh Minh đến Công an huyện Tuy Phước trình báo.

Theo cán bộ điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An), các thủ đoạn lừa đảo trên không phải là mới, song ngày càng biến tướng tinh vi. Ngoài lừa "bấm like, thả tim", hay làm nhiệm vụ review sản phẩm, nhóm tội phạm còn mạo danh nhiều thương hiệu siêu thị, điện máy, thẩm mỹ viện... gọi điện cho người dân báo "có chương trình khuyến mãi, bạn là khách hàng may mắn nên được tặng quà...

Luật sư Hà cũng nhìn nhận tình trạng người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra ngày càng phổ biến, kẻ gian đánh vào tâm lý chung của nhiều người về công việc nhẹ nhàng với mức thu nhập cao, dễ dàng lợi dụng lòng tin, dụ dỗ họ chuyển tiền dưới nhiều hình thức rồi từ đó chiếm đoạt. Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận do hình thức lừa đảo được thực hiện qua mạng nên thông tin liên hệ cũng như nhân thân về những người lừa đảo rất mơ hồ, không xác thực. Do không xác định được đối tượng lừa đảo nên rất khó khăn trong việc điều tra làm rõ. Sau khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, người bị lừa đảo sẽ phải đợi một khoảng thời gian rất dài. "Việc tố cáo những hành vi trên để được xử lý theo quy định của pháp luật cũng rất khó khăn", ông Hà nhìn nhận.

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người Việt năm 2024. Cứ 220 người dùng, có một người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Hiện các ngân hàng cũng áp dụng phương pháp xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến, được kỳ vọng có thể giảm bớt các giao dịch "xóa dấu dòng tiền" của kẻ lừa đảo. Đồng thời, các ngân hàng định kỳ phải báo cáo danh sách "tài khoản đen" bị nghi ngờ lừa đảo về Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian qua, vài ngân hàng áp dụng tính năng nhận diện và cảnh báo cho người dùng cẩn trọng, trước khi chuyển tiền đến số điện thoại trong danh sách "đen". Đây là một trong các biện pháp hiệu quả để chủ tài khoản thận trọng hơn khi chuyển tiền do mắc bẫy tâm lý của kẻ lừa đảo.

Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với những cuộc gọi hay lời mời tham gia làm việc kiếm tiền trên mạng xã hội từ những người không quen biết. "Tất cả những thứ liên quan mà kẻ gian đưa ra để lôi kéo làm nhiệm vụ đều là giả mạo, chỉ có việc nạn nhân bị lừa đảo là thật".

Quỳnh Trang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020