Diễn biến thị trường chứng khoán sáng 26-12 giằng co quanh mốc tham chiếu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau phiên thăng hoa khi tăng tới gần 13 điểm, sáng nay (26-12), VN-Index lại có diễn biến điều chỉnh nhẹ, lùi sát mốc tham chiếu 1.273,84 điểm.
Chỉ mới qua nửa ngày giao dịch, khối ngoại đã bán ròng trở lại 360 tỉ đồng. Cổ phiếu bị khối ngoại "xả" mạnh nhất là VCB của Vietcombank (84 tỉ đồng), STB của Sacombank (39 tỉ đồng), FPT (28 tỉ đồng), VNM của Vinamilk (26 tỉ đồng)…
Tính chung trên cả ba sàn, có hơn 300 mã giảm điểm, trong đó 8 mã giảm sàn. Bất ngờ nhất là diễn biến cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1, khi gặp pha giảm hết biên độ.
Chương trình ăn khách Anh trai vượt ngàn chông gai
Chịu áp lực bán mạnh, cổ phiếu YEG giảm sàn về mốc 21.600 đồng/đơn vị. Diễn biến này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu vùng đỉnh lo ngại. Bởi cổ phiếu này vừa trải qua 7 phiên tăng kịch trần liên tiếp, đưa thị giá tăng gấp đôi sau một tháng.
Dữ liệu cho thấy YEG đã từ vùng giá 10.000 đồng hồi giữa tháng 11 lên mức 23.000 đồng vào ngày 25-12, trước khi bị xả giá sàn trong sáng nay.
Nếu như đà tăng của YEG trước đó được nhận định xuất phát từ sự thành công của show "Anh trai vượt ngàn chông gai", thì diễn biến đi xuống sáng nay được cho rằng đến từ sự hạ nhiệt của show "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng".
Truyền thống trong nước nhận định, đi đến chặng cuối, show "Chị đẹp đạp gió" mùa 2 chưa thể bứt phá, không có độ thảo luận cao trên mạng xã hội.
Ngoài ra, cũng như nhiều cổ phiếu khác, sau một thời gian tăng nóng, YEG cũng sẽ chịu áp lực chốt lời.
Trở lại với thị trường chứng khoán sáng nay, với diễn biến giằng co về chỉ số, nền thanh khoản trở lại khá thấp với hơn 6.500 tỉ đồng. Có tới 28 mã tăng trần, nhưng chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, không đủ tạo nên sức kéo thị trường.
Theo FIDT, thị trường đã bước sang tuần thứ tư liên tiếp trong tháng 12 mà khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng.
Đáng chú ý, mức độ bán ròng trong tuần vừa qua là cao nhất trong vòng một tháng qua, phản ánh rõ ràng áp lực toàn cầu đang tác động tiêu cực lên tâm lý và dòng vốn khối ngoại.
Ngoài ra, nhóm tự doanh cũng ghi nhận hoạt động bán ròng đáng kể, cho thấy áp lực cung cầu trên thị trường tiếp tục mất cân bằng. Thanh khoản giảm mạnh và tâm lý tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến sự vận động chung của thị trường.
Trong kịch bản tích cực, nếu chỉ USD (DXY) cải thiện nhanh chóng nhờ yếu tố thanh khoản USD thắt chặt cuối năm chấm dứt, dòng vốn khối ngoại có khả năng đảo chiều sớm hơn dự kiến.