Thông tin trên được ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói tại tọa đàm Toàn cảnh triển khai EPR ở Việt Nam, ngày 26/12.
EPR là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ 1/1/2022 và tái chế, đóng góp tài chính cho hoạt động này từ 1/1/2024.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Mức đóng được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.
Nhóm doanh nghiệp nói trên đã tuân thủ và nộp 1.500 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường tính đến hết năm nay, theo ông Hùng.
Rác nhựa sau phân loại tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, năm 2022. Ảnh: Giang Huy
Với trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp có thể tự làm hoặc hợp tác với các tổ chức khác để tái chế, hoặc đóng góp tài chính. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ban hành định mức về khoản phải nộp này.
Theo quy định, khoản thu từ trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải hay tái chế sẽ dành cho các hoạt động liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng Bộ Tài chính lên phương án quản lý, sử dụng nguồn tiền này công khai và đúng mục đích.
"Chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền dùng nguồn tiền xử lý chất thải hỗ trợ cho dự án thu gom, xử lý chất thải của địa phương, nhất là các tỉnh miền núi khó khăn, không có tiền đầu tư bãi rác hay hạ tầng thu gom chất thải", ông Hùng nói. Nguồn tiền từ trách nhiệm tái chế dự kiến sẽ hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp trong ngành này với điều kiện họ có giấy phép, đảm bảo các tiêu chí môi trường. Số tiền hỗ trợ dựa trên khối lượng tái chế.
Doanh nghiệp không có hệ thống xử lý môi trường đủ điều kiện hay các cơ sở tái chế hộ gia đình gây ô nhiễm sẽ không thuộc đối tượng thụ hưởng. Tương tự, nhà tái chế dùng rác nhập khẩu cũng không được hỗ trợ từ nguồn này.
Chính sách EPR đã đạt thành công bước đầu khi nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu thay đổi thiết kế bao bì thân thiện môi trường hơn, thay vì nộp tiền để thu gom và xử lý bao bì thiếu bền vững, theo ông Hùng.
Bên cạnh đó, chính sách này cũng thúc đẩy đầu tư vào ngành tái chế. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu thị trường này ở Việt Nam, gồm tái chế cả rác bao bì giá trị thấp.
Doanh nghiệp tái chế cũng tăng được sản lượng đầu vào lẫn công suất tái chế. Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân cho biết sản lượng thu gom tăng gấp rưỡi trong năm nay, đạt 180 tấn rác nhựa, tương đương 14 triệu chai mỗi ngày. Công ty kỳ vọng đạt công suất đỉnh 100.000 tấn một năm từ mức 60.000 tấn hiện tại, qua đó giảm giá thành bán ra.
"EPR tạo cơ hội chưa từng có cho ngành tái chế Việt Nam", ông Phan Tuấn Hùng nói, thêm rằng các dự án và hoạt động tái chế tới đây sẽ được hưởng ưu đãi về thuê đất, tín dụng và trợ giá.
Thủy Trương