Chuyên mục  


"Chúng tôi có trách nhiệm, nghĩa vụ và cam kết cần thực hiện với gia đình các nạn nhân. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc tìm kiếm lần này sẽ thu được kết quả tích cực, xác định được xác máy bay và khép lại bi kịch cho người thân các nạn nhân", Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke nói tại cuộc họp báo ngày 20/12.

Công ty Ocean Infinity, trụ sở ở Texas, Mỹ là đơn vị tìm kiếm lần này, dự kiến kéo dài 18 tháng, tại khu vực mới với tổng diện tích khoảng 15.000 km2 ở phía nam Ấn Độ Dương. Công ty cam kết chỉ nhận thù lao 70 triệu USD nếu như xác định được vị trí xác máy bay.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke nói tại cuộc họp báo về nối lại tìm kiếm MH370 vào ngày 20/12. Ảnh: MalayMail

Ocean Infinity từng mở hai cuộc tìm kiếm MH370 vào năm 2018, nhưng không thu thập được manh mối nào mới.

Hồi tháng 3, Ocean Infinity tuyên bố có bằng chứng mới về vị trí MH370 rơi và đề xuất tiến hành cuộc tìm kiếm "không thấy, không mất tiền" lên chính phủ Malaysia. Theo đề xuất này, phía Malaysia sẽ chỉ phải trả phí dịch vụ nếu công ty Mỹ đảm bảo mang lại kết quả khả quan về dấu vết của máy bay MH370.

"Tìm kiếm MH370 và đưa ra một số giải pháp cho tất cả những gì liên quan tới vụ máy bay mất tích đã ám ảnh tâm trí chúng tôi kể từ khi rời nam Ấn Độ Dương năm 2018", Oliver Plunkett, giám đốc điều hành Ocean Infinity, ngày 5/3 cho hay.

"Đơn vị tìm kiếm tự tin về khu vực mới", ông Loke cho biết, bổ sung rằng các dữ liệu từ Ocean Infinity đã được Bộ Giao thông Malaysia kiểm tra kỹ lưỡng. "Họ cảm thấy đã nắm được manh mối đáng tin cậy, dựa trên nghiên cứu của nhiều chuyên gia và đã cân nhắc nhiều quan điểm khác nhau".

Máy bay Boeing 777, mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines, biến mất ngày 8/3/2014 cùng toàn bộ 239 hành khách và thành viên tổ bay, chưa đầy một giờ sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.

Vị trí các mảnh vỡ MH370, đường bay của máy bay và khu vực tìm kiếm ban đầu ở Ấn Độ Dương vào năm 2014. Đồ họa: Guardian

Nhiều quốc gia đã phối hợp tìm kiếm trên vùng biển rộng 120.000 km2 ở phía nam Ấn Độ Dương suốt nhiều tháng, nhưng không tìm thấy dấu vết nào của máy bay.

Đến tháng 7/2015, nỗ lực tìm kiếm chứng kiến bước ngoặt lớn đầu tiên khi một mảnh vỡ trôi dạt vào đảo Reunion của Pháp được xác định là cánh tà của MH370. Tháng 3/2016, một mảnh vỡ được cho là nắp động cơ MH370 dạt vào Nam Phi.

Tuy nhiên, vẫn chưa tổ chức hay quốc gia nào xác định được vị trí xác máy bay suốt 10 năm qua. Nguyên nhân máy bay mất tích và số phận của nó đến nay vẫn là bí ẩn.

Thanh Danh (Theo Reuters, Malay Mail, Star)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020