Chuyên mục  


95f960486a5ad7048e4b-1734686364898792025890.jpg

Những cuốn sách đoạt giải thưởng trong năm 2024

Trong năm qua, nhiều giải thưởng về sách diễn ra thu hút sự quan tâm của bạn đọc như: giải Sách quốc gia, giải Sách hay 2024... Những cuốn sách được vinh danh có giá trị cao về mặt khoa học, văn chương, hữu ích và hướng tới bạn đọc.

Trong đó, có những tựa sách của các tác giả nổi tiếng như: nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Đinh Phương...

Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020) 

Bộ sách hai tập Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020) được trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2024. 

895ce71cf00a4d54141b-1734671555983583469981.jpg

Bộ sách được xem là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - Ảnh: QUỲNH MY

Với niềm đam mê sử học, sử gia Nguyễn Đình Tư đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II để tập hợp tài liệu, hoàn thành bộ sách với mong muốn cung cấp bao quát thông tin về lịch sử từ thời đại tiền sử đến ngày nay của TP.HCM.

Tác phẩm gồm 6 phần chính, cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về các chế độ chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao... ở TP.HCM từ năm 1698 - 2020. 

"Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa" - ông Nguyễn Đình Tư viết trong lời nói đầu của tập 1.

Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ

Bên cạnh việc thừa hưởng khối tài liệu tham khảo khá phong phú của các nhà nghiên cứu đương thời, nhóm tác giả của sách Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ đã sử dụng khá nhiều tài liệu tại các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước.

06872938-b6ed-475b-be28-9aa8332b96dc-1734671500401966191608.jpeg

Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 cho tác giả Võ Nguyên Phong, Cù Thị Dung đến từ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Ảnh: TTXVN

Sách có nhiều tài liệu lần đầu được giới thiệu đến công chúng về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền của Đàng Trong tại vùng đất phía Nam (năm 1698) cho đến năm 1945; 

Và các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, các công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ cách nay hơn một thế kỷ.

Tháng 9-2024, tác phẩm nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12. 

c5c5c1def5d2488c11c3-1734675228318705174972.jpg

Sách Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ có nhiều tư liệu quý về vùng đất Sài Gòn - Ảnh: QUỲNH MY

Người thầy

Người thầy, cuốn sách của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể về những đóng góp quan trọng của Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc) đối với ngành tình báo quốc phòng, cùng những mất mát, hy sinh thầm lặng của ông và gia đình.

Dưới góc nhìn của tác giả, Thiếu tướng Đặng Trần Đức là một người sẵn sàng hy sinh vì đất nước, hết mình vì nhiệm vụ, nghiêm khắc về công việc nhưng cũng rất đời thường, quan tâm và sâu sát đối với thế hệ trẻ. 

Với tấm lòng kính trọng, cảm phục về người thầy của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã truyền lửa cho đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ về tình yêu, lý tưởng cách mạng, về niềm tin đối với thế hệ trẻ của lớp người đi trước.

Tác phẩm giành giải C và giải Sách được bạn đọc yêu thích tại Giải thưởng Sách quốc gia 2024.

tam-hinh-nha-tinh-bao-ba-quoc-bia-phai-va-ong-nguyen-chi-vinh-duoc-ve-lai-lam-bia-sach-17259422481551766955588.jpg

Cuốn sách Người thầy và tấm hình nhà tình báo Ba Quốc (bìa phải) và ông Nguyễn Chí Vịnh được vẽ lại làm bìa sách - Ảnh: NVCC

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919)

Được phát triển từ luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly tại Đại học Sorbonne Nouvelle, cuốn sách ghi lại hành trình phát triển hơn 300 năm của chữ quốc ngữ, từ năm 1615 - thời điểm các giáo sĩ dòng Tên tới truyền giáo ở Đàng Trong cho đến khi chữ quốc ngữ được đón nhận và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam từ năm 1919.

cec328e3d8f565ab3ce4-1734671984357518837122.jpg

Tác phẩm Lịch sử chữ quốc ngữ đoạt giải Phát hiện mới tại Giải Sách hay 2024 - Ảnh: HỒ LAM

Tác phẩm Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919) có một số đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ.

Như việc phục dựng lại được khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ quốc ngữ nhờ sưu tầm và phân tích một số lượng lớn các văn bản viết tay;

Chỉ ra được những mốc thời gian quan trọng như: chữ Latinh đầu tiên xuất hiện trong văn bản năm 1617; “hội nghị” đầu tiên về chữ quốc ngữ của các thừa sai ở Macau (Trung Quốc) năm 1630; khi Gaspar do Amaral soạn từ vựng năm 1634...

Bản thân nghiên cứu tại Pháp của tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly cũng được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Groupement d’intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á).

Nắng Thổ Tang

Tiểu thuyết Nắng Thổ Tang của nhà văn Đinh Phương cũng được bạn đọc chú ý khi đoạt Giải Sách hay 2024 ở hạng mục sách văn học. 

82b2b4805591e8cfb180-17346764961811256393477.jpg

Tác phẩm Nắng thổ tang của nhà văn Đinh Phương

Nắng Thổ Tang mở đầu bằng cái chết của các chí sĩ Yên Bái. Tác phẩm triển khai với ba điểm nhấn chính là cái kết bi thảm của cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quốc dân Đảng ở Yên Bái năm 1930; phong trào rước Chúa vào Nam năm 1954 và sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam trong thập niên 1960.

Trong sách có những cái tên gắn liền với Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học chìm nổi giữa dòng chảy song song của thời gian, giữa hư và thực, giữa những lời thì thầm và cả những tiếng thét đau thương.

Mùa hè không tên

Tác phẩm Mùa hè không tên mang về cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giải thưởng Sách quốc gia ở hạng mục giải thưởng Sách được bạn đọc yêu thích.

Nguyễn Nhật Ánh mang đến cho người đọc xúc cảm mạnh mẽ khi khắc họa ký ức tuổi thơ ở làng Đo Đo qua những cảnh đời đứng trước thử thách số phận.

muahekhongten-16951141466981552850375.jpg

Tác phẩm Mùa hè không tên được nhiều bạn đọc yêu thích - Ảnh: HỒ LAM

Đọc Mùa hè không tên, độc giả cảm nhận cả một bầu trời tuổi thơ trong những câu chuyện của những đứa trẻ như: Khang, Nhàn, Hội, Túc, Tí, Đính, Chỉnh...

Có những trò tinh nghịch, một thoáng thinh thích hồi hộp hiện lên qua những trang sách và cũng có những phút giây cảm động của câu chuyện tình thân, nỗi khát khao hạnh phúc êm đềm, cùng bỡ ngỡ bước vào tuổi mới lớn nhiều yêu thương mang cả màu va vấp.

Xứ sở miên man

Tại Giải thưởng Sách quốc gia 2024, truyện Xứ sở miên man của ca sĩ Jun Phạm được trao giải C.

Trong tác phẩm, độc giả chứng kiến bức tranh đối lập trong cuộc sống bình dị của ông Thảo và bé Mì Gói, đứa con gái nhỏ được ông nhận nuôi tại tiệm cắt tóc Tân Kỳ.

23edbb0924189946c009-1734678181372571522049.jpg

Ca sĩ Jun Phạm và sách Xứ sở miên man

Mỗi ngày trôi qua, ông Thảo luôn cảm thấy mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, ông bị cuốn vào cuộc chiến với một con quái vật mang tên Cuối Tháng. Còn Mì Gói thì lúc nào cũng có hàng tá câu hỏi hoang đường về các nàng tiên và những bức vẽ về vùng đất "Minamun" do cô bé tự tạo ra.

Sau cuộc cãi vã với ông Thảo, bé Mì Gói bị bắt đến Xứ sở miên man kỳ ảo và cuộc hành trình đi giải cứu Mì Gói đầy điều bất ngờ của ông Thảo và chú Tò he chính thức bắt đầu.

Tác phẩm được bạn đọc yêu thích vì có cách kể chuyện đáng yêu với câu từ hồn nhiên, vun vén trí tưởng tượng diệu kỳ và làm thế giới nở đầy sắc hoa rực rỡ trong mắt mỗi em nhỏ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020