Cả thị trường có khoảng 70 cổ phiếu tăng trưởng trên 100% trong năm qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thị trường chứng khoán khép lại năm 2023 với sự dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Xét theo ngành, chứng khoán, thép, xây dựng, hóa chất, công nghệ thông tin là những ngành có hiệu suất vượt trội với mức tăng 35 - 78%, theo dữ liệu từ Fiintrade.
Ngược lại, bất động sản, tiện ích, hàng và dịch vụ công nghiệp, du lịch và giải trí, thực phẩm và đồ uống, bảo hiểm là các ngành có hiệu suất kém hơn so với VN-Index.
Top cổ phiếu tăng mạnh nhất năm
Thống kê cho thấy trên thị trường nhiều cổ phiếu tăng trưởng "bằng lần" năm qua.
Điển hình như LDP của Công ty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar) trên sàn HNX. Kết phiên 29-12-2023, cổ phiếu này đã tăng hơn 205% sau 1 năm, dừng ở vùng giá 15.900 đồng/cổ phiếu. Giá đóng cửa thấp nhất mã này năm qua 4.800 đồng.
Trên HoSE, BSI của Chứng khoán BIDV và VIX của Chứng khoán VIX cũng nằm nhóm tăng ấn tượng với biên độ hàng trăm phần trăm.
Cụ thể, BSI đã tăng khoảng 200% sau một năm, dừng ở mức giá 47.500 đồng/cổ phiếu. Còn VIX đã tăng 202%, lên 17.100 đồng/cổ phiếu khi kết phiên ngày 29-12-2023.
Hưởng lợi khi VN-Index hồi phục, cộng với "sóng" KRX, cổ phiếu nhiều công ty chứng khoán khác cũng có mức tăng gây tiếc nuối với nhiều nhà đầu tư nếu chưa kịp sở hữu.
Như SSI của Chứng khoán SSI, HCM của Chứng khoán TP.HCM, VND của VNDirect, VCI của Vietcap… cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng với lần lượt 92%, 78%, 65% và 87% sau một năm.
Trở lại bảng danh sách nhóm cổ phiếu tăng trên 200% còn có ELC của Công ty CP công nghệ - viễn thông Elcom.
Niêm yết trên sàn HoSE, kết phiên cuối năm ELC có thị giá 20.900 đồng/cổ phiếu. Giá đóng cửa thấp nhất trong năm qua mã này 7.200 đồng/cổ phiếu.
CMS của Công ty CP Tập đoàn CMH Việt Nam cũng là cổ phiếu gây chú ý khi tăng 190%. Thị giá CMS đã có sự điều chỉnh khá mạnh năm qua khi có lúc lên 34.000 đồng/cổ phiếu rồi sụt xuống, đến nay chỉ còn hơn 19.000 đồng.
Hồi tháng 9-2023, CMS còn tăng trần liên tiếp 9 phiên, đẩy thị giá lên gấp nhiều lần. Ban lãnh đạo CMS lúc đó phải lên tiếng giải trình những biến động bất thường, đồng thời khuyến cáo nhà đầu tư cần nắm rõ thông tin chính xác về công ty.
Ở nhóm còn lại với mức tăng khoáng 100% có một số gương mặt ở ngành bất động sản, xây dựng, ngân hàng như QCG của Quốc Cường Gia Lai (+152%), CTD của Coteccons (+178%), SZC của Sonadezi Châu Đức (+105%), NAB của Nam Á Bank (+130%)…
Nhóm cổ phiếu "lao cắm đầu"
Ở chiều ngược lại, các mã sụt giảm mạnh khoảng 80 - 90% cũng khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cảm thấy hụt hẫng.
Như DDG của Công ty CP đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương giảm hơn 85%. Kết phiên 29-12-2023, thị giá DDG dừng ở mức giá 5.700 đồng/cổ phiếu, sau khi từng leo lên 43.300 đồng.
KPF của Công ty CP đầu tư tài sàn KOJI cũng miệt mài đi xuống từ vùng giá 12.700 đồng/cổ phiếu hồi tháng 1-2023 xuống 5.400 đồng khi kết năm.
Trong khi, nhà đầu tư mua cổ phiếu TTB của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ vừa chứng kiến thị giá "bốc hơi" hơn 50% lại đón nhận tiếp tin hủy niêm yết.
Cụ thể, HoSE mới đây cho biết kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Tiến Bộ chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Do vậy, căn cứ theo quy định và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sàn này thông báo sẽ hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TTB.