Chuyên mục  


Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan phụ trách tác chiến tại Trung Đông của Lầu Năm Góc, hôm 26/12 thông báo đã đánh chặn loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Houthi nhắm vào tàu hàng ở Biển Đỏ. "Khí tài Mỹ, bao gồm tàu khu trục USS Laboon và tiêm kích F/A-18 Super Hornet thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower, đã bắn hạ 12 UAV tự sát, ba tên lửa đạn đạo diệt hạm và hai tên lửa hành trình tấn công mặt đất", thông báo có đoạn.

Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai tiêm kích để đánh chặn UAV của Houthi ở Biển Đỏ từ sau khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát hôm 7/10, dù không quân Israel đã nhiều lần làm điều tương tự. Mỹ trước đó chủ yếu đánh chặn UAV của nhóm vũ trang bằng vũ khí phòng không trên tàu khu trục.

Tiêm kích F/A-18 Super Hornet tại Vịnh Ba Tư hồi tháng 11. Ảnh: Hải quân Mỹ

Đây dường như là lần thứ hai tiêm kích đa năng F/A-18 Super Hornet tiêu diệt mục tiêu trên không kể từ khi được biên chế, sau lần bắn hạ chiến đấu cơ Su-22 của Syria năm 2007.

Dù chưa thể hiện nhiều năng lực không đối không, F/A-18 Super Hornet sở hữu các tính năng đặc biệt để bắn hạ tên lửa hành trình và UAV, nên có thể là vũ khí hữu hiệu để lực lượng Mỹ đánh chặn các đòn tập kích của Houthi ở Biển Đỏ, theo chuyên gia quân sự Tyler Rogoway.

"Hệ thống AN/APG-79 trên tiêm kích F/A-18 Super Hornet là radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) tiên tiến bậc nhất hiện nay. Loại radar này có khả năng phát hiện, bám bắt và hỗ trợ tấn công các mục tiêu nhỏ, bay thấp như tên lửa hành trình và UAV", Rogoway cho biết.

F/A-18 Super Hornet cũng được trang bị hệ thống chỉ thị mục tiêu (ATFLIR) AN/ASQ-228 hoặc LITENING, cho phép phi công có thể quan sát mối đe dọa từ khoảng cách rất xa, cũng như phân biệt địch - ta. Công nghệ này có thể giúp lực lượng Mỹ nhận biết loại UAV, tên lửa mà nhóm Houthi sử dụng để tập kích tàu hàng ở Biển Đỏ, cũng như mục tiêu cụ thể mà nhóm nhắm tới, qua đó lên phương án để đối phó.

Tàu khu trục USS Laboon. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo Rogoway, F/A-18 Super Hornet có thể được gắn hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại (IRST). Đây là cụm cảm biến gắn ngoài, vận hành theo nguyên lý thụ động, không phát tín hiệu đánh động mục tiêu. Nó xác định tín hiệu nhiệt từ động cơ máy bay đối phương, rất hữu ích cho việc phát hiện phi cơ tàng hình, vốn khó bị bám bắt bởi radar.

Rogoway cho rằng IRST cũng có "giá trị cao" trong việc nhận diện các mục tiêu nhỏ như UAV, tên lửa hành trình, song không rõ phi đội Super Hornet của nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower có được trang bị hệ thống này hay không.

Về vũ khí, F/A-18 Super Hornet có thể mang theo pháo 20 mm, tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, tên lửa đối đất AGM-65 Maverick và AGM-84E SLAM, tên lửa chống hạm AGM-84D Harpoon và diệt radar AGM-88 HARM, cùng hàng loạt mẫu bom thông thường và dẫn đường.

Tên lửa AIM-120 VÀ AIM-9X Sidewinder đều có khả năng đối phó với tên lửa hành trình và UAV. Không quân Arab Saudi những năm gần đây đã sử dụng tên lửa AIM-120 để bắn hạ hàng loạt UAV tự sát của Houthi. AIM-120 đã chứng minh được hiệu quả trong việc đánh chặn UAV, vật thể có diện tích phản xạ radar nhỏ.

Rogoway cho rằng điểm nổi bật nhất của F/A-18 Super Hornet là năng lực kết nối thông tin. Tiêm kích này có thể tiếp nhận, chia sẻ thông tin về mục tiêu cần đánh chặn với lá chắn tên lửa Aegis trên đội tàu của nhóm tác chiến Dwight D. Eisenhower, hoặc với máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye.

Máy bay E-2D Hawkeye. Ảnh: Northrop Grumman

E-2D Hawkeye được mệnh danh là "mắt thần trên không", có nhiệm vụ giám sát trên biển và đất liền nhằm cung cấp thông tin về các mối đe dọa cho trung tâm chỉ huy và lực lượng chiến đấu. Độ cao hành trình 7.600 m cho phép mỗi chiếc Hawkeye bao phủ khu vực có bán kính khoảng 300 km, cũng như phát hiện mục tiêu bay sát mặt biển ở ngoài đường chân trời.

Năng lực "nhìn xuống" trên radar AN/APY-9 của E-2D Hawkeye cũng giúp nó có thể phát hiện chính xác mục tiêu bay thấp như UAV.

Theo Rogoway, các khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ như tàu USS Laboon đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc đánh chặn đòn tập kích của Houthi ở Biển Đỏ và tiêm kích F/A-18 Super Hornet là sự bổ sung hữu ích cho lớp phòng vệ.

"Super Hornet có thể di chuyển nhanh hơn các chiến hạm Mỹ để đánh chặn các mối đe dọa, ngay từ khi nó chưa được phóng tới gần, điều mà các hệ thống phòng không trên tàu chiến không làm được. Sự cơ động này có giá trị rất lớn trong bối cảnh phức tạp hiện nay ở Biển Đỏ", Rogoway nêu quan điểm.

Vị trí Biển Đỏ. Đồ họa: AFP

Phạm Giang (Theo Drive, Time, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020