Chuyên mục  


Bộ Ngoại giao Litva ngày 22/5 thông báo "triệu tập đại diện Nga để giải thích đầy đủ" về dự thảo đề xuất một ngày trước từ Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng Moskva cần tính toán lại tọa độ các điểm xác định đường cơ sở trên biển Baltic.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cáo buộc Nga "cố tình tạo ra sợ hãi, mơ hồ và nghi ngờ về những dự định của họ trên Biển Baltic. Ông cũng cáo buộc diễn biến này là "hành động leo thang trắng trợn nhắm vào NATO và EU, cần bị đáp trả cứng rắn và thích hợp".

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho biết đại sứ nước này tại NATO đã bày tỏ lo ngại với các đồng minh về động thái của Moskva. Tổng thống Nauseda đặt nghi vấn đề xuất trên là một phần "kế hoạch lớn hơn của Nga nhằm chống lại NATO".

Chiến hạm các nước thành viên NATO tham dự diễn tập BALTOPS 2022 biển Baltic vào tháng 6/2022. Ảnh: NATO

Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho hay họ "chưa nắm được thông tin chính thức nào về kế hoạch của Nga" và sẽ tiếp tục theo dõi các động thái tiếp theo. Bà kêu gọi Nga tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó có những quy định về phân định biên giới trên biển.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/5 đăng trên cổng thông tin danh sách các tọa độ mới để "tính toán chiều rộng lãnh hải Nga, đường bờ biển và các đảo trên biển Baltic" do cách tính từ năm 1985 đã áp dụng những đồ họa lỗi thời, có tọa độ mâu thuẫn với các khảo sát hàng hải hiện nay.

Dự thảo mô tả cách tính mới sẽ "làm hiện ra một đường cơ sở mới ở phía nam các đảo của Nga tại khu vực phía đông Vịnh Phần Lan, gần Baltiysk và Zelenogradsk", do đó vùng nội thủy trên biển Baltic được mở rộng và "biên giới trên biển của Nga sẽ thay đổi". Văn bản đề nghị áp dụng cách tính mới từ tháng 1/2025.

Theo Reuters, dự thảo của Bộ Quốc phòng Nga vào chiều 22/5 đã bị xóa khỏi trang lưu trữ công khai. Bộ Quốc phòng Nga cũng không đăng kèm giải thích hay bình luận nào về quyết định xóa dự thảo.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó bình luận đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga "không mang tính chính trị". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng tình hình chính trị thực tế đã thay đổi rất nhiều từ năm 1985, thời điểm chính phủ Liên Xô phân định biên giới trên biển.

"Mức độ đối đầu hiện nay đã khác, đặc biệt là tại khu vực Baltic. Các cơ quan liên quan cần có những biện pháp thích hợp để đảm bảo an ninh quốc gia", ông nói.

Nga có nhiều lợi ích kinh tế và quân sự ở biển Baltic. Thành phố St. Petersburg là nơi đặt nhiều cơ sở lọc dầu và là cửa ngõ để Nga xuất khẩu sản phẩm qua vịnh Phần Lan. Hạm đội Baltic có trụ sở và cảng nhà ở Kaliningrad, cùng một căn cứ ở St. Petersburg.

Những lợi ích của Nga giờ đây đều có nguy cơ nằm trong vòng kiềm tỏa của NATO sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự trong hai năm qua. Các nước Baltic liên tục bày tỏ lo ngại tình hình địa chính trị đã thay đổi sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ.

Các quốc gia ven biển Baltic. Đồ họa: SWP

Thanh Danh (Theo TASS, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020