Tập đoàn LEGO với dự án nhà máy hơn 1,3 tỉ USD. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn này tại KCN Việt Nam - Singapore lll ở Bình Dương - Ảnh chụp chiều 21-5 - Ảnh: T.T.D.
Đây là một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra trong dự thảo nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 6 nhằm ứng phó với việc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với những tập đoàn đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu euro/năm (khoảng 780 triệu USD) trở lên.
"Đại bàng" FDI, doanh nghiệp trong nước đều chờ hỗ trợ
Việc OECD quyết định áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024 với các tập đoàn đa quốc gia cùng xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đã buộc chính phủ nhiều nước phải đưa ra chính sách hỗ trợ để giữ chân các nhà đầu tư lớn.
Tại Việt Nam, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, những tháng gần đây nhiều tập đoàn FDI lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư nên đã chuyển sang các quốc gia khác đầu tư.
Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách từ Việt Nam. Trong đó, có thể kể tới những cái tên quen thuộc như Samsung, LG, SMC và các tập đoàn đang sản xuất thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco như Foxconn, Compal, Quanta.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu, giữ chân các "ông lớn" công nghệ có vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, thu hút dự án mới.
Bên cạnh giữ chân, thu hút thêm các "đại bàng" công nghệ FDI, việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư của Chính phủ thời gian tới cũng hướng đến các doanh nghiệp chiến lược trong nước, doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt các lĩnh vực mũi nhọn trong nước. Đây là những doanh nghiệp có sứ mệnh mang dấu ấn Việt Nam, bản sắc dân tộc, góp phần củng cố vị thế kinh tế Việt Nam.
Trước đó, để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, tháng 11-2023 Quốc hội đã ban hành nghị quyết 110 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, giao Chính phủ ban hành nghị định liên quan để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: ĐỨC ANH
Cần có "ông lớn" quốc nội để bắt tay
Bàn thêm về tình hình hiện tại và hướng phát triển tương lai, ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), cho rằng các nhà đầu tư FDI đến Việt Nam ngoài việc tìm hiểu cơ hội đầu tư còn có yếu tố ngoại giao nên các tuyên bố đầu tư của họ không phải "đinh đóng cột".
Vì vậy, giải pháp về hỗ trợ đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư là chủ trương, định hướng đúng, vấn đề là phải triển khai nhanh, hiệu quả.
Với các nhà đầu tư FDI chất lượng cao đang đầu tư quy mô lớn, chúng ta nên sử dụng khoản thuế tối thiểu toàn cầu thu thêm được thời gian tới để hỗ trợ trực tiếp cho họ.
Đồng thời hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, cung cấp sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI với giá rẻ hơn.
Như vậy chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu: giữ chân "ông lớn" FDI, phát triển doanh nghiệp nội địa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với việc thu hút nhà đầu tư FDI mới cần tập trung ưu đãi hỗ trợ vốn, nguồn nhân lực vào những lĩnh vực trọng tâm, đặc biệt các dự án đầu tư công nghệ cao trong ngành công nghiệp bán dẫn. Muốn vậy, ngoài các giải pháp lâu nay vẫn làm, cần đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp hỗ trợ, xây dựng các tập đoàn kinh tế Việt Nam đủ mạnh để có thể bắt tay với nhà đầu tư FDI.
"Thời gian qua, một số tập đoàn trong nước như FPT, Viettel đang làm, giờ cần hỗ trợ để có nhiều hơn các tập đoàn kinh tế lớn trong nước có thể hợp tác với các doanh nghiệp FDI", ông Toàn nói.
Đồng thời, cần hỗ trợ việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) của doanh nghiệp trong nước. Còn việc để có được các tập đoàn lớn trong nước đủ sức dẫn dắt phát triển cần sớm ban hành thêm luật về các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để hỗ trợ họ phát triển.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Phát huy bài học từ hệ sinh thái ngành dệt may
TS Phạm Hùng Tiến, phó giám đốc Viện FNF Việt Nam, cũng cho rằng việc hỗ trợ đầu tư cần tránh đi theo lối mòn, kể cả cách hỗ trợ bằng tiền sắp tới để tạo ra những tập đoàn lớn như của Hàn Quốc tại thời điểm này khó khăn hơn nhiều. Hiện tư duy phát triển đã theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, nếu nhìn vào các ngành hiện nay ở Việt Nam, chỉ có ngành dệt may có khả năng cạnh tranh toàn cầu dù phần nhiều vẫn tập trung ở khâu cuối của chuỗi giá trị.
Thế mạnh của ngành dệt may là sự liên kết giữa các doanh nghiệp, chủ thể trong ngành, cùng sự hỗ trợ của địa phương, các trường đại học, cơ quan nghiên cứu. Đây là yếu tố tạo nên thành công của ngành dệt may và có thể xem như là một bài học cho các ngành khác.
Thời gian qua ngành công nghiệp bán dẫn có một vài điểm sáng nhưng nếu chúng ta chỉ chạy theo, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thì khó thành công. Việc chỉ chạy theo lợi ích của một số doanh nghiệp mà không hình thành những chuỗi, những công đoạn do doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận thì rất khó thành công.
Trong thu hút đầu tư FDI chúng ta không nhìn vào mô típ đầu tư của doanh nghiệp FDI mà nhìn vào cả nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp trong nước. Cách tiếp cận này mới và đúng.
"Nếu chỉ trải thảm đỏ là chưa đủ, sau gần 40 năm đổi mới vị thế Việt Nam đã khác, đã có nguồn lực nhất định nên muốn bền vững cần hướng tới hình thành các cụm, khu công nghệ cao vận hành như một hệ sinh thái của riêng Việt Nam (có thể quy mô nhỏ) trong một ngành, lĩnh vực cụ thể như quang học, cơ khí, ô tô, bán dẫn... Đây cũng chính là kinh nghiệm của một số nước thành công trong thu hút các "đại bàng" công nghệ", ông Tiến chia sẻ.
* Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam):
Hỗ trợ cho người thắng chứ không chọn trước người chiến thắng
Quỹ hỗ trợ đầu tư cần mở rộng cho tất cả tập đoàn kinh tế trong nước đủ điều kiện và nhà đầu tư FDI vì chúng ta chỉ phát triển bền vững được khi các doanh nghiệp nội địa đủ mạnh và làm chủ. Trong hỗ trợ các doanh nghiệp chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ, hậu thuẫn cho người chiến thắng chứ không chọn trước người chiến thắng.
Bên cạnh đó, khi Chính phủ có cam kết sẽ tài trợ, hỗ trợ nhà đầu tư thì ngược lại nhà đầu tư cũng phải cam kết với Chính phủ giá trị được tạo ra cho phía Việt Nam. Như vậy, Nhà nước cấp ưu đãi cho các nhà đầu tư và các đối tác nước ngoài cũng phải cam kết với Chính phủ trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Cần thay đổi thiết kế ưu đãi, không nên dựa trên đầu vào là vốn đầu tư bao nhiêu, đầu tư vào ngành, lĩnh vực nào vì nhiều khi các cam kết này chỉ nằm trên giấy, nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Mặt khác, trong hợp đồng cấp ưu đãi cần có điều khoản thu hồi ưu đãi khi nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi. Tư duy ưu đãi cần rõ ràng để tránh đi đêm, Hàn Quốc đã làm như vậy để thành công, để tạo ra các tập đoàn cạnh tranh.
Nhiều quốc gia đã hành động
Cụ thể, Thái Lan chấp thuận phân bổ 50 - 70% số tiền thu thuế bổ sung vào quỹ nâng cao năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp. Các khoản hỗ trợ dự kiến bằng tiền hoặc tương đương tiền đi kèm các điều kiện cụ thể sẽ được Thái Lan công bố vào cuối năm 2024.
Tương tự, Singapore đã công bố ngân sách 2024 trong đó có đề cập đến chính sách hỗ trợ đầu tư đối ứng với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Singapore dự kiến sẽ ban hành chính sách Refundable Investment Credit (RIC) hỗ trợ tới 50% các chi phí đủ điều kiện trong các lĩnh vực kinh tế cốt lõi, các khoản đầu tư mới, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và duy trì nền kinh tế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đã thực hiện ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ và nghiên cứu phát triển. Nổi bật là bộ ba chính sách khuyến khích sản xuất điện tử của Ấn Độ, chính sách RIC hỗ trợ đầu tư trên chi phí của Singapore, và chính sách theo đạo luật tăng cường cạnh tranh của Thái Lan.
Ngay cả những nước phát triển như: Anh, Ireland, Ba Lan, Pháp... cũng thực hiện phổ biến các hình thức hỗ trợ đầu tư theo chi phí đối với các dự án nghiên cứu phát triển.
Nhà máy tỉ đô LEGO đã hoàn thành dần theo tiến độ và bắt đầu chuẩn bị lao động, nhân sự để vận hành nhà máy - Ảnh: T.T.D.
Tiền, thuế chưa phải là tất cả
Được ví như thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Singapore hiện là một trong những quốc gia thu hút nguồn đầu tư hàng đầu từ các ông lớn công nghệ trên thế giới.
Theo ông Steven Okun - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty tư vấn APAC Advisors, đồng thời là chủ tịch AmChams khu vực châu Á - Thái Bình Dương, môi trường an toàn, thị trường có tốc độ tăng trưởng cao cùng khung pháp lý được thiết kế riêng để phù hợp với các tập đoàn công nghệ đã biến đảo quốc sư tử trở thành một trong những trung tâm công nghệ toàn cầu hàng đầu thế kỷ 21.
Đồng thời, những ưu điểm này cũng góp phần định vị đảo quốc sư tử là "ngôi nhà toàn cầu" hay "văn phòng của thế giới" cho các tập đoàn công nghệ.
Trước hết, Singapore mang đến cho doanh nghiệp và người lao động môi trường làm việc an toàn và bền vững. Trong nhiều năm liên tiếp, Singapore luôn thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) về năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Những năm vừa qua, Singapore đã ban hành các chính sách nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, đồng thời phát triển nguồn nhân lực để theo kịp bước phát triển nhảy vọt của doanh nghiệp nước ngoài trong những thập niên tới, thông qua dự án Smart Nation Singapore.
Chính phủ Singapore đã tăng mức lương tối thiểu cho các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao, cũng như đưa ra các sáng kiến nhằm thu hút nhân tài toàn cầu đến làm việc tại đảo quốc sư tử, theo báo Nikkei Asia.
Trong khi đó, Indonesia là thị trường khởi nghiệp lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Trong nhiều năm qua, Indonesia đã cố gắng thu hút Công ty Tesla đầu tư sản xuất pin xe điện, cùng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink (thuộc SpaceX) của tỉ phú Elon Musk để cung cấp Internet cho các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Tổng thống Joko Widodo đã tận dụng lợi thế là trữ lượng nickel khổng lồ của quốc gia này - nguyên liệu để sản xuất thép không gỉ và một số loại pin xe điện - nhằm thuyết phục ông Elon Musk và Tesla đầu tư vào xứ sở vạn đảo. Một thập niên trở lại đây, Tổng thống Joko Widodo đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và kỹ thuật số, nhằm đạt được Tầm nhìn vàng Indonesia 2045 mà chính phủ đề ra.
"Cam kết xanh" giúp Việt Nam hút nhà đầu tư
Tập đoàn Pandora - hãng trang sức lớn nhất thế giới - vừa khởi công nhà máy sản xuất trang sức tại Khu công nghiệp VSIP III (Bình Dương) với số vốn đầu tư 150 triệu USD (khoảng 3.800 tỉ đồng). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Alexander Lacik, tổng giám đốc kiêm chủ tịch Tập đoàn Pandora, cho hay doanh nghiệp này đã dành hai năm khảo sát, tìm kiếm nơi lập nhà máy tại 27 quốc gia trên thế giới với 13 tiêu chí và kết quả là Việt Nam dẫn đầu.
Theo ông Alexander Lacik, các yếu tố mấu chốt là Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, lành nghề, nhà đầu tư nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Chính phủ, địa phương.
Bên cạnh đó, Bình Dương có cơ sở hạ tầng tốt. Tập đoàn này cũng đã nghiên cứu toàn bộ 63 tỉnh thành với 224 khu công nghiệp nhưng hơn 200 khu công nghiệp đã được lấp đầy 100%.
Vì vậy tập đoàn này chỉ có 20 sự lựa chọn và sau cùng đã quyết định xây dựng nhà máy dùng 100% năng lượng tái tạo tại Bình Dương, kế bên một "ông lớn" FDI khác của Đan Mạch là Tập đoàn LEGO với dự án nhà máy hơn 1,3 tỉ USD. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn này.
Ông Jacob Jensen, bộ trưởng Bộ Thực phẩm - Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch, cho hay sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư đã tăng lên đáng kể và các cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải carbon đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Quyết định đầu tư của Pandora đã thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.