Mua bán vàng tại một cửa hàng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: THANH HIỆP
Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: "Vàng hiện nay cũng là vấn đề đau đầu của thế giới. Trước khi NHNN can thiệp, giá vàng quốc tế là 2.300 - 2.400 USD/ounce nhưng đến giờ đã tăng đến trên 2.700 USD/ounce. Nếu tính từ đầu năm cho đến thời điểm hiện nay, giá vàng quốc tế tăng đến hơn 50%".
Tìm giải pháp mới quản lý thị trường vàng
Trả lời câu hỏi về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về quản lý thị trường vàng, bà Hồng cho biết đã can thiệp để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Bà Hồng cho hay thị trường vàng trong nước biến động theo thế giới. Giai đoạn từ 2014 - 2019, thị trường vàng tương đối ổn định, nhu cầu mua vàng của người dân giảm, bắt đầu từ năm 2021 giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng trong nước cũng tăng cao. Từ tháng 6-2024 giá vàng quốc tế xác lập đỉnh cao, NHNN bắt đầu can thiệp qua chín phiên đấu thầu nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao. Để thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch giá, NHNN đã chuyển sang bán trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, kéo chênh lệch từ 15 triệu đến 18 triệu đồng/lượng giờ chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đặt vấn đề về thành lập sàn giao dịch vàng, bà Hồng trả lời để thành lập sàn vàng đòi hỏi cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, trong khi Việt Nam không phải nước sản xuất vàng như Trung Quốc nên vàng giao dịch phải nhập từ thị trường vàng quốc tế. Vì thế "NHNN phải phối hợp với các bộ, các ngành nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng để tham mưu với Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh".
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết NHNN đang đánh giá tổng kết nghị định 24 và đề xuất giải pháp mới để quản lý thị trường vàng. Tinh thần phải chống vàng hóa, đặc biệt vàng miếng, và không khuyến khích người dân nắm giữ vàng.
"Chúng ta chống vàng hóa và chống đô la hóa, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Khi nắm giữ vàng có nghĩa số tiền đó người dân không sử dụng được, nếu tiền đấy để chuyển hóa ra VND sẽ có các cơ hội để kinh doanh, để đầu tư vào các lĩnh vực khác như gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất, kinh doanh hay đầu tư vào các cổ phần, cổ phiếu hoặc thị trường chứng khoán để phục vụ sản xuất, kinh doanh", bà Hồng nhấn mạnh.
Giá vàng tăng nhưng không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế do hàng hóa không còn được định giá bằng vàng như nhiều năm trước - Ảnh: T.T.D.
Bán lại vàng, đâu chỉ có ở ngân hàng
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề ngân hàng chỉ bán vàng miếng nhưng không mua nên người dân mua xong không biết bán ở đâu. Bà Hồng cho biết hiện NHNN chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại.
Hiện có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng. "Các ngân hàng và các doanh nghiệp này vẫn mua bán vàng bình thường, việc doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì một vài lý do nào đấy về cân đối tiền...".
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Về lâu dài, quan điểm chung của NHNN cũng như theo chủ trương chống vàng hóa, thực hiện nhiều giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. Riêng việc tích lũy vàng theo truyền thống Á Đông, NHNN sẽ có những giải pháp để đánh giá và có giải pháp để cung ứng vàng ra thị trường cũng như có các giải pháp phù hợp".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn
Hôm nay (12-11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ là "tư lệnh" ngành thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn.
Nội dung chất vấn ông Hùng về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia "chia lửa" với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho hay trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, bà quan tâm nhất là thực trạng hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội rất sôi động và ảnh hưởng ngày càng lớn trong thời gian gần đây.
Do đó bà mong rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các ngành liên quan như Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an, Công Thương... để có một "bộ lọc" thẩm định chất lượng các sản phẩm mà người nổi tiếng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội, từ đó có giải pháp xử lý phù hợp. Nếu cần có thể thực hiện các giải pháp "mạnh tay" để người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm với sản phẩm mà mình tham gia quảng cáo.
Còn đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nói vấn đề được nhiều cử tri quan tâm hiện nay trong lĩnh vực thông tin - truyền thông là thông tin giả, sai sự thật, thông tin xấu độc lan truyền trên mạng xã hội. Loại thông tin này gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới an ninh trật tự, uy tín, danh dự của các tổ chức và cá nhân...
Vì sao "Big4" chỉ bán, không mua vàng?
Người dân mua vàng nữ trang - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - nhận định việc Ngân hàng Nhà nước giao cho bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước - nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Công ty SJC trực tiếp bán vàng miếng SJC cho người dân là để bình ổn giá vàng. Mục đích của giải pháp này là tăng cung cho thị trường và kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
"Còn vì sao bốn ngân hàng này không mua lại vàng, theo tôi, bản chất sâu xa của giải pháp này là để hạn chế việc người dân mua - bán vàng. Nếu chính sách tạo thuận tiện cho việc mua - bán vàng quá dễ dàng là không nên trong bối cảnh nền kinh tế cần huy động tối đa nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng" - ông Long nhận định.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM cho hay có nhiều lý do để nhóm Big4 chỉ bán vàng mà không mua vàng. Trên thực tế nhiều ngân hàng không có nghiệp vụ kinh doanh vàng.
"Khi Ngân hàng Nhà nước đưa vàng xuống để các ngân hàng trong nhóm Big4 bán cho người dân, các ngân hàng "mặc định" có một mức lợi nhuận để trang trải chi phí vận hành (thời gian qua là 1 triệu đồng/lượng). Nhưng nếu ngân hàng mua vàng vào thì lại là câu chuyện khác. Khi đó xem như họ phải kinh doanh vàng "bất đắc dĩ", rồi họ phải cân đối trạng thái (cân bằng giữa mua vào và bán ra), phải xử lý như thế nào để không lỗ và có lợi nhuận khi giá cả biến động liên tục", vị giám đốc doanh nghiệp vàng nói.
Bên cạnh đó, theo vị giám đốc doanh nghiệp vàng này, một lý do khác đó là nạn vàng nhái rất tinh vi. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt giữa miếng vàng thật và miếng vàng nhái do mẫu mã, trọng lượng gần như nhau, cũng là vàng 9999. Thậm chí những điểm khác biệt trước đây có thể giúp nhận diện được vàng nhái cũng dần bị qua mặt".
Ngay cả những nhân viên kiểm định nhà nghề cũng vẫn bị "lọt". Do vậy việc nhiều ngân hàng không có nghiệp vụ kinh doanh vàng nếu bây giờ tham gia mua vàng miếng sẽ dễ để lọt vàng nhái, qua đó kẻ xấu sẽ "hợp thức hóa" vàng nguyên liệu trôi nổi nhằm thu lợi nhuận khủng. Cần nhắc lại, giữa vàng nguyên liệu và vàng SJC có lúc chênh nhau 5-6 triệu đồng/lượng.
Sàn vàng và huy động vốn vàng
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã từng áp dụng cả hai hình thức này nhưng chưa thành công, để lại nhiều hệ lụy sau đó phải giải quyết.
Phải đóng cửa sàn vàng vì nhiều người... phá sản
Theo chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực vàng, chưa nên đặt vấn đề lập sàn vàng vì nhiều rủi ro cho nhà đầu tư bởi giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và các nhà đầu tư cũng chưa có đủ kinh nghiệm cũng như các công cụ phòng ngừa rủi ro như các sàn vàng chuyên nghiệp của thế giới.
Chưa kể kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy hoạt động của các sàn vàng gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, các ngân hàng và cả nền kinh tế.
Thực tế, Việt Nam từng có sàn vàng hoạt động rầm rộ. Nhưng cuối năm 2009, sau nhiều tháng hoạt động để lại nhiều hệ lụy lớn cho nhà đầu tư như phá sản, thua lỗ, gây bất ổn về tỉ giá, Thủ tướng Chính phủ khi đó đã ra lệnh đóng cửa các sàn vàng.
"Lập sàn vàng không khó nhưng quản lý, điều hành sàn vàng là cả một vấn đề. Trong quá khứ sàn vàng là một câu chuyện rất nhức nhối và Ngân hàng Nhà nước mất rất nhiều công sức mới dẹp được sàn vàng. Chưa kể hiện nay thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới. Chúng ta không thể chơi cuộc chơi của riêng mình", chuyên gia này nói.
Có nên huy động vàng?
Hệ thống ngân hàng cũng đã từng huy động vàng nhưng cuối cùng cũng phải chấm dứt huy động vì hầu hết người vay vàng đều thua lỗ do giá vàng tăng liên tục.
Khi đó các ngân hàng huy động vàng, một phần cho vay bằng vàng và nhiều người vay gặp khó do giá vàng tăng liên tục. Phần khác ngân hàng cũng "lên bờ xuống ruộng" vì lỡ bán vàng để lấy VND cho vay, đến khi cần vàng trả cho dân thì giá đã trên trời! Khi đó, Ngân hàng Nhà nước phải dùng ngoại tệ để nhập vàng bán cho ngân hàng dập ra vàng SJC trả cho dân, gây áp lực lớn đến tỉ giá.
Phải mất nhiều tháng với rất nhiều ngoại tệ mới có thể chấm dứt huy động vàng vào năm 2013. Từ hơn chục năm qua, hình thức huy động vốn vàng hữu hiệu nhất là giảm dần lượng tiền đổ vào vàng, thay vì để dân dùng tiền mua vàng rồi phải tìm cách huy động lại số vàng đó.