Chuyên mục  


Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) tuần này trưng bày nguyên mẫu hoặc mô hình tỷ lệ thật của máy bay không người lái (UAV) có tên "Cửu Thiên" trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không Chu Hải.

Một trong các bộ phận gây chú ý trên Cửu Thiên là khoang chứa với dòng chữ "mô-đun chứa bầy thiết bị bay (drone)" ở bên sườn máy bay, cho thấy mẫu UAV này ứng dụng nguyên lý "mẹ - con", có thể mang theo mô-đun chuyên phóng loạt drone cỡ nhỏ để tập kích theo bầy đàn.

"Trung Quốc quan tâm với năng lực phóng loạt drone từ nhiều phương tiện, trong đó có khí cầu tầm cao", Joseph Trevithick, biên tập viên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ, cho hay.

UAV Cửu thiên được đưa đến khu trưng bày ở Triển lãm Hàng không Chu Hải hôm 6/11. Ảnh: X/Hurin92

"Bầy drone mang lại một số lợi thế về mặt quân sự, trong đó có phân tán lực lượng nhanh chóng trên khu vực rộng lớn để thực hiện nhiều nhiệm vụ như thu thập thông tin tình báo, trinh sát, giám sát, tác chiến điện tử và tấn công. Lượng lớn drone cũng đặt ra thách thức đáng kể với lưới phòng không đối phương", Trevithick nhận định.

UAV ứng dụng thiết kế cánh nâng ngang và không có góc vát, bổ sung cánh lượn ở đầu chót. Động cơ tua-bin phản lực đặt trên lưng máy bay và cánh đuôi hình chữ H. Mũi UAV chứa radar và thiết bị liên lạc, bên dưới có cụm cảm biến và camera hồng ngoại - quang điện. Dưới cánh có 4 giá treo, song chưa rõ chủng loại vũ khí và trang bị có thể được gắn lên phi cơ.

Một số quốc gia đã và đang nghiên cứu hệ thống gần giống mô-đun phóng bầy drone trên UAV Cửu Thiên. Mỹ từng phát triển ống phóng có thể triển khai 32 UAV cỡ nhỏ trong một lần để lắp trên P-8 Poseidon, biến máy bay tuần thám thành phi cơ mẹ chuyên phóng drone con.

"UAV mẹ - con giúp nâng cao năng lực này, đồng thời giảm rủi ro mà phương tiện có người lái đối mặt trong khu vực giao tranh", Trevithick đánh giá.

Khoang chứa mô-đun phóng loạt drone trên UAV Cửu thiên. Ảnh: CCTV

UAV Cửu Thiên có khối lượng cất cánh tối đa khoảng 10 tấn, lớn hơn nhiều so với nhiều dòng máy bay không người lái của Trung Quốc hiện nay. UAV vũ trang CH-6 dùng động cơ phản lực, xuất hiện lần đầu năm 2021, có khối lượng cất cánh tối đa khoảng 7,8 tấn. Dực long 3, biến thể lớn nhất của dòng Dực long, có khối lượng cất cánh tối đa là 6 tấn.

"Cửu Thiên cho thấy nỗ lực đầu tư đáng kể và không ngừng gia tăng của Trung Quốc nhằm bổ sung, tăng cường năng lực tác chiến UAV. Nó không ứng dụng thiết kế tàng hình, nhưng có thể là sự bổ sung quan trọng vào kho vũ khí không người lái của Trung Quốc, giúp nước này sở hữu dòng UAV mẹ - con để phát động những đòn tấn công bằng bầy đàn drone", Trevithick nêu quan điểm.

Triển lãm Hàng không Chu Hải được tổ chức hai năm một lần tại thành phố cùng tên thuộc tỉnh Quảng Đông từ năm 1996 tới nay. Triển lãm năm nay diễn ra ngày 12-17/11 với đại diện các công ty hàng không Trung Quốc, Nga và đội bay biểu diễn của một số quốc gia.

Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AP, AFP)

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020