Thời Chiến tranh Lạnh, tình báo Mỹ và Liên Xô liên tục chơi trò "mèo vờn chuột" trong hoạt động do thám lẫn nhau, với nhiều chiến dịch táo bạo nhằm nắm được thông tin tuyệt mật của đối phương. Một trong những nỗ lực như vậy của Mỹ trong giai đoạn này là chiến dịch Monopoly (Độc quyền) nhắm vào đại sứ quán Liên Xô ở Washington.
Kể từ thập niên 1920, Liên Xô đã bắt đầu cài cắm nhiều gián điệp vào giới chính trị và quân sự Mỹ. Thế chiến II là thời kỳ đặc biệt bận rộn với tình báo Liên Xô, do họ được lệnh thu thập mọi thông tin về kế hoạch tác chiến cùng những tiến bộ công nghệ của Mỹ và Anh.
Hoạt động này tiếp tục diễn ra sau Thế chiến II, nhưng hai siêu cường phải sử dụng nhiều cách sáng tạo hơn để chiếm ưu thế. Một trong những địa điểm được chú ý nhất trong các chiến dịch tình báo là đại sứ quán của mỗi nước.
Đây là nơi diễn ra các cuộc trò chuyện quan trọng và tuyệt mật trong khu vực bất khả xâm phạm. Do đó, nghe trộm đại sứ quán trở thành ưu tiên của cả tình báo Liên Xô và Mỹ.
Tòa nhà đại sứ quán Nga tại thủ đô Washington của Mỹ hiện nay. Ảnh: Wikipedia.
Trong thập niên 1970, Liên Xô có kế hoạch xây dựng đại sứ quán mới ở thủ đô Washington trên khu đất do Bộ Ngoại giao Mỹ lựa chọn. Điều này khiến cộng đồng tình báo Mỹ bất mãn, bởi khu đất nằm ở điểm cao thứ hai ở Washington và nằm tại vị trí đắc địa để do thám Nhà Trắng.
Ý thức được điều này, các cơ quan mật vụ Mỹ lên kế hoạch cài máy nghe lén khắp đại sứ quán mới của Liên Xô để nắm được các thông tin quan trọng, cũng như theo dõi liệu Moskva có do thám họ hay không.
Trước khi các kiến trúc sư Liên Xô đến Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã ra lệnh chặt hạ cây cối xung quanh công trường, mọi dấu vết như mùn cưa và gốc cây cũng được xóa sạch để họ có thể dễ dàng quan sát công trình từ bên ngoài. FBI còn bí mật mua một căn nhà ba phòng ngủ ở đối diện bên kia đường để có thể theo dõi tòa đại sứ Liên Xô suốt ngày đêm.
Tuy nhiên, tâm điểm của hoạt động này là chiến dịch Monopoly, kế hoạch đào đường hầm ngay bên dưới đại sứ quán Liên Xô tại Mỹ. Đường hầm này sẽ cho phép tình báo Mỹ xâm nhập và nghe lén liên lạc của quan chức, nhân viên trong đại sứ quán Liên Xô.
FBI đã chọn một nhà thầu và bắt đầu đào đường hầm khi đại sứ quán Liên Xô đang được xây dựng. Mật vụ Mỹ phải rất thận trọng để giữ bí mật cho đường hầm, bao gồm cả loại bỏ đất cát được đào ra và bố trí thiết bị giám sát công nghệ cao dọc đường hầm.
Các công nhân tham gia chiến dịch Monopoly phải làm việc không ngừng để ngăn nước liên tục chảy vào đường hầm. Dù có sơ đồ chi tiết về cách bố trí của đại sứ quán, họ không chắc chắn về vị trí của đường hầm so với tòa nhà.
Liên Xô có nhiều kinh nghiệm phản gián, khiến Mỹ gặp khó khi theo dõi đại sứ quán. Các kỹ sư Liên Xô sử dụng những khối đá cẩm thạch dày để lát tường, thay vì gắn những lát đá mỏng với nhau như bình thường để ngăn đối phương cài thiết bị gián điệp vào lớp vữa giữa các mặt đá.
Họ cũng kiểm tra mọi khung cửa sổ và tấm kim loại để tìm thiết bị nghe lén trước khi đưa chúng vào tòa nhà. Phía Liên Xô còn khoan những lỗ sâu 9-12 m xung quanh đại sứ quán để dò tìm đường hầm.
Quá trình xây dựng đại sứ quán bắt đầu từ năm 1977, nó chỉ được đưa vào sử dụng đầy đủ từ năm 1994. Trong thời gian này, Mỹ tiêu tốn nhiều tiền của để đào hầm và giám sát đại sứ quán Liên Xô, nhưng mọi nỗ lực đều không thành công. Sau hàng loạt thất bại, tình báo Mỹ bắt đầu nghi ngờ có nội gián trong hàng ngũ và tiến hành điều tra nội bộ đầu thập niên 1990.
Năm 2001, Mỹ phát hiện ra kẻ phản bội là đặc vụ FBI tên Robert Hanssen, người đã bán thông tin tuyệt mật cho Liên Xô. Hanssen tiết lộ dự án đường hầm trị giá hàng triệu USD và kéo dài hàng thập kỷ dưới đại sứ quán Liên Xô vào năm 1989, cùng danh sách nhiều điệp viên hai mang được Mỹ cài cắm ở Liên Xô.
Điều này có nghĩa là Liên Xô không bị lộ thông tin quan trọng, trong khi Mỹ đào hầm trong nhiều năm mà không biết kế hoạch đã bị lộ, hoàn toàn lãng phí thời gian và nguồn lực vô ích.
Khi đường hầm được công chúng biết đến vào năm 2001, chính phủ Nga tỏ ra bị sốc về vụ việc, dù họ thực sự đã biết về sự tồn tại của nó từ hơn 10 năm trước. Tòa nhà đại sứ quán Liên Xô sau này được chuyển giao cho Nga và trở thành đại sứ quán Nga tại Mỹ.
Duy Sơn (Theo War History)