Chuyên mục  


Sáng 13/4, chính quyền quận Đại Hưng, tây nam Bắc Kinh, yêu cầu tất cả người nước ngoài sinh sống ở khu Thiên Cung Viện đi tiêm vaccine Covid-19. Chiếc ô tô 40 chỗ chở mẹ con chị Đoàn Thị Quỳnh cùng nhiều người nước ngoài tới trung tâm tiêm chủng cách nhà khoảng 15 km.

139660580-16104176335801n-1885-1622024080.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NcQ4Y6AJASkvnwkLF-dCOg

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại quận Hải Điền, Bắc Kinh, hồi tháng 1. Ảnh: Xinhua.

Có khoảng 30-40 người xếp hàng chờ tiêm hôm đó. Ai cũng đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội. Trung tâm tiêm chủng rộng rãi, phân luồng người tiêm, bảo vệ có mặt khắp nơi, nhân viên y tế luôn niềm nở.

Chị Quỳnh, 35 tuổi, được tiêm vaccine miễn phí vì có thẻ bảo hiểm và thẻ xanh định cư. Chị Quỳnh quê Quảng Ninh, tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh và lấy chồng người Trung Quốc, sinh sống ở thủ đô hơn 8 năm nay.

Bà Đoàn Thị Vui, 59 tuổi, mẹ chị Quỳnh, sang Bắc Kinh thăm cháu ngoại và con gái và mắc kẹt từ đầu năm 2020. Bà không có bảo hiểm nên phải nộp 186 tệ (690.000 VND) cho hai mũi tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc, loại đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng khẩn cấp.

"Trước khi tiêm tôi cũng hơi ngần ngại, vì báo chí nước ngoài đưa tin vaccine Trung Quốc gây phản ứng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi tôi thắc mắc với bác sĩ Trung Quốc, họ giải thích đã là thuốc, thì đều có tác dụng phụ, phản ứng nặng hay nhẹ tùy cơ địa từng người", chị Quỳnh nói.

"Họ nói thêm nếu ai cơ địa dị ứng, phụ nữ có thai, muốn có thai, cho con bú, đang mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính... thì cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn kỹ và khám sàng lọc".

Sau khi tiêm mũi thứ nhất, chị Quỳnh chỉ thấy hơi mệt. Bà Vui bị nhức ở vùng tiêm bắp tay, ngày thứ hai bị đau đầu, mệt mỏi, nhưng đã trở lại bình thường sau đó. Ngày 8/5, chị cùng mẹ đi tiêm mũi thứ hai.

"Bây giờ tôi cảm thấy rất an toàn", chị bày tỏ.

183731489-489022618889660-9084-9628-4997-1622012307.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uiSk2L78-XlTj-XDtqIQTw

Chị Quỳnh tiêm mũi vaccine thứ hai hôm 8/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tốt nghiệp hậu tiến sỹ Đại học Thanh Hoa, Nguyễn Thị Thu Hà, 36 tuổi, người Việt duy nhất công tác trong Viện nghiên cứu học thuật và thực hành kinh tế Trung Quốc, cũng nằm trong số người Việt ở Bắc Kinh đã tiêm vaccine.

"Chính quyền Bắc Kinh yêu cầu mọi người dân đều tiêm vaccine, đặc biệt là người làm việc trong hệ thống trường học", người phụ nữ quê ở Hải Phòng cho biết.

Chị đã tiêm đủ hai mũi từ tháng 4, hơi nhức bắp tay sau tiêm và không xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng nào.

Trung Quốc là nước có số lượng mũi vaccine đã tiêm nhiều nhất thế giới, đạt 497,3 triệu mũi tính đến 22/5, theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Mỹ với 283,94 triệu mũi cùng ngày.

Chính quyền Trung Quốc khuyến khích người dân tham gia chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí, đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ hai mũi cho 40% dân số, tương đương 560 triệu người, đến hết tháng 6.

NHC cho hay rất nhiều người muốn tiêm vaccine Covid-19, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, chính quyền phải ngừng tiêm hôm 22/5 do thiếu vaccine.

Tại Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, chị Nguyễn Phương Giang, 34 tuổi, cho biết 30% người dân trong tỉnh đã được tiêm. Chị và chồng con đang chờ tới lượt từ đầu tháng 3.

"Tôi rất mong được tiêm vì muốn về Hải Phòng giải quyết công việc. Tôi cũng rất nhớ những món ăn đặc sản quê hương nữa", chị Giang bày tỏ.

Chị Hà cũng có mong muốn tương tự.

"Rất nhiều dự án của tôi ở Việt Nam còn ngổn ngang chờ giải quyết. Tôi mong người dân hai nước sớm được tiêm chủng, đạt miễn dịch cộng đồng, để việc giao thương và đi lại giữa hai nước trong thời kỳ Covid-19 thuận lợi hơn", nữ tiến sỹ nói.

Hồng Hạnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020