Chuyên mục  


Anh Hoàng, ở Cầu Giấy, Tết năm ngoái phải vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu vì đau dạ dày cấp do uống nhiều rượu, chỉ số xét nghiệm cho thấy bất thường với nồng độ axit uric cao, tức bệnh gout. Đây là bệnh lý rối loạn chuyển hóa acid uric, rất phổ biến ở Việt Nam, gây sưng đau khó chịu ở các khớp tay hoặc chân. Bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí bị sỏi thận, suy tim, tăng nguy cơ đột quỵ.

Tết năm nay cận kề, anh Hoàng sợ bệnh tái phát, bị ám ảnh bởi mâm cỗ luôn đầy ắp gà luộc, nem rán, giò lụa, xôi gấc, bánh chưng, thịt đông, lòng gà xào củ quả, tôm chiên và rượu, bia.

"Bữa ăn thừa chất, nhiều dầu mỡ, hâm đi hâm lại chỉ rước thêm bệnh tật", anh nói và đề xuất cả nhà đi du lịch để tránh tiệc tùng ăn nhậu. Thế nhưng vừa đề xuất nguyện vọng, bố mẹ anh lập tức phản đối, nhắc nhở ngày Tết là dịp sum vầy "ăn no, uống say" mới không bị mọi người chê trách.

Mai, 25 tuổi, cũng không háo hức với Tết vì từng bị ngộ độc thực phẩm năm ngoái. Cô phải ăn cháo, uống thuốc suốt dịp Tết do dùng đồ ăn lưu trữ trong tủ lạnh. "Hầu hết mọi người đều nấu từ 20 Tết, treo sẵn giò chả, để đầy tủ lạnh đến mức không còn chỗ", Mai kể, thêm rằng vì tiếc thức ăn thừa, cô cố ăn dẫn đến đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Bữa ăn giàu đạm, chất béo và không thể thiếu rượu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, khuyên ngày Tết cần chú ý chế độ ăn để tránh dư thừa năng lượng. Các món ăn ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, xôi gấc chứa lượng calo cao. Một chiếc bánh chưng cung cấp 1.500-1.600 calo, gấp đôi nhu cầu một bữa ăn thông thường. Món xôi gấc, xôi lạc hay thịt đông cũng dồi dào năng lượng. Thêm vào đó, thói quen uống bia rượu, rượu pha kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia thực phẩm, nhìn nhận thói quen ăn uống "thả cửa" dịp lễ Tết bắt nguồn từ quan niệm "cả năm chỉ có ba ngày Tết" hay "no ba ngày Tết, ấm ba tháng hè". Nhiều gia đình tích trữ thực phẩm đến mức thừa mứa, mâm cỗ đầy ắp nhưng đồ ăn thường để lâu, hâm đi hâm lại nhiều lần, gây lãng phí và ảnh hưởng sức khỏe.

Theo PGS Lâm, chế độ ăn dư thừa đạm, tinh bột, ít vận động là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, ung thư. Ăn quá nhiều thịt, ít rau xanh gây táo bón, khó tiêu, thừa cân, trong khi lạm dụng bia rượu sẽ làm tăng nguy cơ gout, suy gan, tổn thương thận. Việc thiếu luyện tập khiến năng lượng không tiêu hao, dẫn đến béo phì và các hệ lụy sức khỏe khác.

Các chuyên gia khuyến cáo nên duy trì chế độ ăn cân đối với 4 nhóm thực phẩm: bột đường (ngũ cốc), đạm (thịt, cá, trứng, sữa), chất béo (mỡ, dầu), và vitamin, khoáng chất (rau, củ, quả). Uống đủ 1,5-2,5 lít nước mỗi ngày, hạn chế bia rượu, nước ngọt, nước có gas để bảo vệ sức khỏe.

Thay vì dành nhiều thời gian nấu nướng, mọi người nên đi chơi, du lịch, tập thể dục hoặc yoga để tận hưởng ngày Tết vui khỏe, lành mạnh. Bổ sung thực phẩm tươi mới, thực đơn đa dạng để tránh nhàm chán và đảm bảo dinh dưỡng trong suốt kỳ nghỉ lễ.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020