Hồi đầu tháng, G7 đã đạt một thỏa thuận thuế lịch sử để giải quyết việc né thuế của các công ty đa quốc gia, ghi dấu lần đầu tiên khối này đồng ý thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu.
Động thái được các nhà vận động thuế hoan nghênh rộng rãi và được các bộ trưởng tài chính G7 ca ngợi là dấu mốc "thay đổi thế giới". Tuy nhiên, để thỏa thuận đi vào hiệu lực thì còn phải tiếp tục trải qua nhiều tháng, thậm chí nhiều năm đàm phán. Bước tiếp theo là thỏa thuận phải được xem xét bởi G20, bao gồm các quốc gia hàng đầu khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga.
Bộ trưởng tài chính các nước G7 họp tại London, Anh vào đầu tháng 6. Ảnh: Reuters.
Sau đây là một số điểm chính yếu của mà thỏa thuận G7 đã đạt được, cũng như mức độ tác động đến việc thu thuế các tập đoàn đa quốc gia trong tương lai.
G7 đã đồng ý những gì?
Có hai trụ cột chính đã được nhóm này thống nhất. Một là, cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận mà các công ty lớn tạo ra dựa trên doanh thu họ kiếm được từ quốc gia đó, thay vì nơi mà họ đặt trụ sở (vốn được tận dụng để né thuế). Cụ thể, các quốc gia nơi doanh nghiệp tạo ra doanh thu sẽ lấy chuẩn biên lợi nhuận là 10%. Nếu doanh nghiệp có lãi vượt chuẩn này thì quốc gia đó có quyền đánh thuế ít nhất là 20% cho phần lãi vượt chuẩn đó.
Ví dụ, một công ty có doanh thu 100 USD, tạo ra 20 USD lợi nhuận, với tỷ suất lợi nhuận 20%. Các quốc gia nơi công ty hoạt động kinh doanh có thể đánh thuế trên 2 USD trong 10 USD lợi nhuận vượt biên, 8 USD còn lại có thể sẽ tiếp tục bị đánh thuế như trước đây.
Hai là, G7 thống nhất đặt ra mức thuế suất tối thiểu cho các tập đoàn toàn cầu là 15%, thấp hơn đề xuất 21% mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một bước ngoặt và việc đưa "ít nhất" vào thỏa thuận có nghĩa là nó có thể được đàm phán cao hơn.
Những công ty nào chịu ảnh hưởng?
Chính quyền Biden đã đề xuất khoảng 100 công ty đa quốc gia nằm trong phạm vi của trụ cột một. Tuy nhiên, chưa rõ chính xác thỏa thuận đạt được tại London hồi đầu tháng bao phủ được bao nhiêu công ty.
Trong bối cảnh các nhà đàm phán châu Âu đang lúng túng tìm cách đánh thuế nhiều hơn từ các công ty công nghệ lớn của Mỹ, Amazon dự kiến "thoát". Điều này là do tỷ suất lợi nhuận của công ty vào năm 2020 chỉ là 6,3%.
Các kế hoạch về một mức thuế tối thiểu của tập đoàn toàn cầu, theo trụ cột hai, dự kiến sẽ bao phủ nhiều công ty hơn, lên đến khoảng 8.000 công ty đa quốc gia. Ngoài các đại gia công nghệ của Mỹ, phân tích của Cơ quan quan sát thuế EU chỉ ra rằng trụ cột hai có thể đánh thuế được cả các công ty như tập đoàn dầu khí khổng lồ BP, Shell, Iberdrola và Repsol; công ty khai thác mỏ Anglo American; công ty viễn thông BT và các ngân hàng như HSBC, Barclays và Santander.
Kế hoạch này giúp tăng thu bao nhiêu?
OECD ước tính vào tháng 10 năm ngoái rằng các quốc gia sẽ tăng thu mỗi năm thêm khoảng 81 tỷ USD nếu thực hiện được cải cách thuế. Trong đó, trụ cột một sẽ mang lại từ 5 tỷ đến 12 tỷ USD, còn trụ cột hai sẽ thu về từ 42 tỷ đến 70 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số này chỉ mang giá trị tham khảo tương đối. Bởi lẽ, ước tính dựa trên giá định mức thuế tối thiểu ở trụ cột hai chỉ là 12,5% và số doanh nghiệp bị đánh thuế trong trụ cột một nhiều hơn. Còn theo Nhóm vận động Mạng lưới Tư pháp Thuế thì nếu áp dụng mức thuế suất tối thiểu 21% như Biden đề xuất, thế giới sẽ thu thêm được đến 640 tỷ USD.
Ở cấp độ quốc gia, Trung tâm Công lý Kinh tế của Viện Nghiên cứu Chính sách Công (Anh) cho rằng nước này sẽ thu về thêm 14,7 tỷ bảng hàng năm nếu áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 21%.
Các công ty có né được không?
Các bộ trưởng tài chính G7 tin rằng doanh nghiệp trong tầm ngắm khó lòng tránh khỏi, đặc biệt là với sự hỗ trợ của các nền kinh tế phương Tây lớn nhất thế giới. Họ hy vọng rằng thông điệp nhất trí mạnh mẽ tại G7 sẽ tạo động lực cho một thỏa thuận được nhất trí giữa nhóm các nền kinh tế lớn G20 - bao gồm Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
Các bộ trưởng tài chính EU cũng tin rằng sức mạnh của thỏa thuận G7 sẽ có nghĩa là các quốc gia thành viên có mức thuế thấp - chẳng hạn như Ireland, Hungary và Síp, tất cả đều có thuế suất tập đoàn dưới 15% - không thể tự cô lập mình khỏi các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo thỏa thuận ở trụ cột hai, mỗi quốc gia sẽ thu các khoản thuế chưa nộp của các công ty đa quốc gia của mình. Ví dụ một công ty của Anh có hoạt động tại Singapore, nếu thuế ở đó thấp hơn mức tối thiểu 15%, nước Anh sẽ được đánh thuế bổ sung với những khoản lợi nhuận đó để đạt mức tối thiểu.
Nếu một công ty chuyển trụ sở đến khu vực có mức thuế thấp, các quốc gia vẫn được quyền áp mức thuế tối thiểu cho phần lợi nhuận thu được từ hoạt động của công ty đó kiếm được tại quốc gia mình, nếu như nơi công ty chọn đặt trụ sở mới không áp dụng mức thuế suất tối thiểu theo thỏa thuận.
Những điểm nào còn phải hoàn thiện?
G7 đã đồng ý mức thuế tối thiểu toàn cầu "ít nhất là 15%", nhưng một số quốc gia đang vận động để có mức thuế cao hơn, bất chấp sự phản đối của một số nền kinh tế lớn. Các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra.
Việc Amazon "lọt lưới" khỏi tiêu chí của trụ cột một sẽ dẫn đến việc Anh và Liên minh châu Âu thúc đẩy các quy tắc chi tiết hơn để tăng thu thuế từ các bộ phận riêng rẽ có lợi nhuận cao của công ty này. Ví dụ, Amazon Web Services tại Anh đã tạo ra tỷ suất lợi nhuận là 30% vào năm 2020. Do đó, nó là nhánh sẽ lọt vào tầm đánh thuế.
Anh và một số quốc gia EU khác cũng đã áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương cho đến khi có thỏa thuận toàn cầu. Mỹ muốn họ từ bỏ nếu đạt được thỏa thuận đa phương này. Tuy nhiên, có thể mất nhiều năm để thực hiện các quy tắc toàn cầu mới, có nghĩa là việc loại bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương ở một số quốc gia sẽ còn lâu mới diễn ra.
Trong khi đó, kế hoạch về một mức thuế tối thiểu ở Mỹ cũng sẽ cần phải thông qua quốc hội, vốn đang chia rẽ 50-50 giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ, gây khó khăn hơn cho chính quyền Biden. Tuy nhiên, các chuyên gia thuế tin rằng vấn đề này sẽ sớm được lưỡng đảng thống nhất.
Phiên An (theo The Guardian)