Chuyên mục  


"Cháu rất vui vì được ăn bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng, sữa và trái cây", Shakila, con gái một người lao động thời vụ và luôn mơ ước trở thành bác sĩ, nói trong ngôi nhà tre nứa ở thị trấn Sukabumi, cao nguyên Tây Java. "Bữa trưa làm cháu háo hức đi học hơn".

Nhân viên chuẩn bị suất cơm miễn phí cho học sinh ở Sukabumi, Tây Java, ngày 25/9. Ảnh: Reuters

Cô bé 11 tuổi nằm trong số hàng nghìn học sinh được nhận bữa trưa miễn phí mỗi ngày gồm cơm với trứng kho, rau xào cùng một hộp sữa, một miếng dưa.

Bữa trưa nằm trong chương trình bếp ăn miễn phí thí điểm ở tỉnh Tây Java theo lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của tân Tổng thống Prabowo Subianto. Chương trình sẽ được triển khai chính thức từ tháng 1/2025, dần dần mở rộng quy mô với mục tiêu cung cấp bữa ăn cho 83 triệu phụ nữ mang thai và trẻ em trên toàn quốc cho đến năm 2029 với ngân sách 28 tỷ USD.

Tuy nhiên, chương trình đối mặt hoài nghi từ các nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng tín dụng, những bên đặt câu hỏi làm thế nào để có ngân sách tài trợ mà không gây ảnh hưởng đến tiếng tăm quản lý tài chính thận trọng mà Indonesia dày công xây dựng, đồng thời làm thế nào để giải quyết vấn đề hậu cần thách thức ở quần đảo rộng lớn.

Ông Prabowo, người nhậm chức vào 20/10, cho rằng cần phải thực thi chương trình để giải quyết tình trạng chậm phát triển đang ảnh hưởng tới 21,5% trẻ em dưới 5 tuổi. Trong năm đầu tiên, ngân sách dành cho chương trình là 71.000 tỷ rupiah (4,6 tỷ USD), giữ mức thâm hụt tài khóa năm dưới mức trần của luật là 3% GDP.

Eliza Mardian, nhà kinh tế học làm việc ở Trung tâm Cải cách Kinh tế, cho rằng mức chi này có thể không đủ, đặc biệt là sữa, sản phẩm mà Indonesia phải nhập khẩu và giá thành đắt đỏ.

"Có khả năng khoản chi cho chương trình sẽ gia tăng, dẫn tới nợ thêm", bà nói. "Đây sẽ là gánh nặng tài khóa đối với đất nước trong tương lai".

Nhân viên chuẩn bị suất cơm miễn phí cho học sinh ở Sukabumi, Tây Java, ngày 25/9. Ảnh: Reuters

Nếu chương trình cần nhiều thực phẩm nhập khẩu hơn, Mardian cảnh báo có thể làm cán cân thanh toán mất cân bằng bởi Indoneisa vốn là quốc gia phụ thuộc nhập khẩu lúa mì, gạo, đậu nành, thịt bò và các sản phẩm từ sữa.

Tuy nhiên, ông Prabowo cho rằng chương trình sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm 2,5 triệu việc làm và thúc đẩy nhu cầu đối với nông sản địa phương. Ông cam kết đẩy tăng trưởng GDP của Indonesia từ 5% lên 8%.

Để đảm bảo chương trình bếp ăn miễn phí triển khai toàn diện từ tháng 1/2025, ông Prabowo, người từng là bộ trưởng quốc phòng, hồi tháng 8 đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Widodo thành lập Cơ quan Dinh dưỡng Quốc gia với người đứng đầu là Dadan Hindayana, giám đốc chương trình bữa ăn.

Ông Dadan tháng này tuyên bố trong giai đoạn một, ba triệu học sinh sẽ được nhận suất ăn và con số này dự kiến tăng gấp đôi vào tháng 4/2025, đạt 15 triệu em vào tháng 7 năm sau, cả nước thành lập ít nhất 5.000 bếp ăn. Mô hình sẽ triển khai theo hàng chục bếp ăn thí điểm đã thử nghiệm trong vài tháng qua.

Học sinh xếp hàng chờ nhận cơm trưa miễn phí trong một trường tiểu học ở Sukabumi ngày 25/9. Ảnh: Reuters

Từ đầu năm nay, một bếp ăn ở thị trấn Sukabumi, Tây Java, đã thuê 50 người làm đầu bếp, nhà cung cấp thực phẩm, lái xe, rửa bát, để chế biến 3.300 suất ăn cho 20 trường học mỗi ngày.

Họ bắt đầu sơ chế và nấu nướng từ sáng sớm theo thực đơn do chuyên gia dinh dưỡng lập ra từng tháng để tận dụng tối đa nguyên liệu sản xuất ở địa phương, theo quản lý bếp Pahmi Idris. Mỗi suất ăn trị giá 15.000 rupiah (0,97 USD).

Nhân viên nhà trường sẽ theo dõi ảnh hưởng của suất ăn tới chiều cao, cân nặng của học sinh. Bếp ăn thí điểm cho thấy thử thách đầu tiên của chương trình là thuyết phục học sinh ăn rau.

"Chúng tôi biết trẻ con không thích ăn rau", Pahmi nói. "Chúng ta cần dạy trẻ ăn nhiều rau hơn".

Izzudin Al Farras Adha, chuyên gia phân tích làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tài chính ở Jakarta, cho rằng một thách thức khác trong quá trình triển khai bếp ăn trên toàn quốc là sự đa dạng về văn hóa cộng đồng và địa lý ở Indonesia.

Nhiều chuyên gia nhận định nếu muốn giải quyết thể trạng còi cọc, việc cung cấp thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ em trong độ tuổi đi học là quá muộn. Việc này đòi hỏi nhiều biện pháp khắc phục, từ cải thiện tình trạng vệ sinh tới dinh dưỡng cho người mẹ trong quá trình mang thai.

Có điều, không thể phủ nhận lợi ích mà chương trình đem lại. Roby Nurdin, nhà cung cấp trái cây và rau quả ở Sukabumi, cho hay bếp ăn mở ra khiến thu nhập của anh tăng gấp đôi và nông dân cũng được lợi.

Trẻ em cũng đi học nhiều hơn, theo Lastri Samtiawati, giáo viên trường Shakila, nơi nhận suất ăn từ bếp ở Sukabumi. "Học sinh hoạt bát hơn", cô nói. "Bây giờ tôi đã hiểu rõ tác động trực tiếp của dinh dưỡng đối với trẻ em".

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020