Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rạng sáng 26/10 tuyên bố "tấn công chính xác" mục tiêu quân sự ở Iran nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Tehran trong nhiều tháng qua.
Truyền thông Israel cho biết khoảng 100 máy bay quân sự, trong đó có cả tiêm kích tàng hình F-35I, đã tham gia chiến dịch không kích, phóng hàng loạt tên lửa vào cơ sở quân sự, nhà máy chế tạo tên lửa Iran tại Tehran, tỉnh Khuzestan và Ilam trong ba đợt tập kích liên tiếp kéo dài vài giờ.
IDF sau đó tuyên bố đã "hoàn thành chiến dịch đáp trả", rút các máy bay về căn cứ, đồng thời cảnh báo rằng Israel sẽ phản ứng quyết liệt hơn nếu Iran "phạm sai lầm là tiếp tục leo thang căng thẳng".
"Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng. Tất cả những bên đe dọa Israel và tìm cách leo thang căng thẳng khu vực sẽ phải trả giá đắt. Chúng tôi đã thể hiện khả năng và quyết tâm hành động, Israel đã sẵn sàng cả về mặt tấn công và phòng thủ để bảo vệ đất nước cùng người dân", phát ngôn viên IDF Daniel Hagari nói.
Cuộc tập kích đáp trả diễn ra sau hơn ba tuần Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel. Đó là cuộc tấn công trực diện thứ hai của Iran vào Israel, sau khi Tehran tiến hành cuộc tập kích với 300 máy bay không người lái và tên lửa hồi tháng 4.
Các lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen cũng đã nhiều lần tập kích lãnh thổ Iran trong năm qua. Israel còn cáo buộc Iran hậu thuẫn cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas vào miền nam nước này ngày 7/10/2023, sự kiện làm bùng phát xung đột ở Dải Gaza.
Các khẩu đội phòng không Iran khai hỏa đánh trả đòn tập kích của Israel rạng sáng 26/10. Video: Al Jazeera
Seth J. Frantzman, nhà phân tích của JPost, nhận định hành động trả đũa của Israel có vai trò rất quan trọng. "Nó gửi thông điệp tới Iran rằng các cuộc tấn công trực tiếp sẽ phải hứng đòn đáp trả. Việc ép người Israel phải vào hầm trú ẩn vì tên lửa đạn đạo sẽ phải trả giá", Frantzman viết.
Iran từng tiến hành nhiều cuộc tấn công ở khu vực trong thập kỷ qua. Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2020 kết luận tên lửa do Iran sản xuất đã được dùng để tấn công các cơ sở lọc dầu của Arab Saudi năm 2019.
Iran còn bị cáo buộc triển khai máy bay không người lái từ Chabahar để tấn công tàu thương mại ở Vịnh Oman. Nước này là bên trang bị vũ khí cho Houthi để tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ trong năm qua.
Tehran cũng tiến hành nhiều cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào người Kurd ở Iraq, phóng tên lửa vào các nhóm vũ trang ở Syria và Pakistan. Tuy nhiên, các hành động đó của Iran thường không vấp bất kỳ hành động đáp trả nào, theo giới quan sát.
"Tel Aviv đang nói với Tehran rằng họ không thể không chịu trách nhiệm sau khi phóng tên lửa tấn công lãnh thổ Israel", Frantzman cho hay.
Trong hơn ba giờ, Israel tập kích các mục tiêu ở Iran với mức độ chính xác chưa từng có. Iran tuyên bố hệ thống phòng không tích hợp của họ đã "đánh chặn thành công" đòn tấn công, nhưng đồng thời cũng thừa nhận đã xảy ra thiệt hại trên mặt đất.
Zvika Klein, nhà phân tích của JPost, cho rằng việc tên lửa Israel xuyên thủng lưới phòng không Iran phát đi thông điệp rằng Tehran không phải là vùng đất "bất khả xâm phạm".
Klein thêm rằng đòn tập kích của Israel chỉ vào mục tiêu quân sự Iran đã đẩy Tehran vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một là trả đũa Israel, nhưng lựa chọn này có thể khiến họ sa vào vòng xoáy xung đột có thể phá hủy mọi thứ mà họ đã gây dựng. Phương án thứ hai là giữ im lặng và để Israel ăn mừng chiến thắng.
"Dù chọn cách nào, Iran cũng vướng vào thế khó do chính họ tạo ra", Klein nhận định.
Giới quan sát ở Israel cho rằng cuộc trả đũa của Israel không chỉ đơn giản là tấn công các mục tiêu quân sự, mà còn cho thấy Israel đang viết lại luật chơi của khu vực, tước đi lợi thế quân sự của Iran.
"Một thông điệp được gửi đến Iran và các lực lượng được nước này hậu thuẫn là Israel sẵn sàng bảo vệ chính mình, vươn tới những khu vực được cho là kiên cố nhất nếu điều đó cần thiết để bảo vệ người dân. Dư âm của cuộc tấn công sẽ không nhanh chóng phai nhạt. Chúng sẽ đánh dấu bước ngoặt, sự thay đổi có thể định hình lại cán cân quyền lực khu vực trong nhiều năm tới", Klein cho hay.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Jerusalem ngày 2/9. Ảnh: AFP
John Brennan, cựu giám đốc CIA kiêm nhà phân tích tình báo, an ninh quốc gia cấp cao, cũng cho rằng Iran bị "hạn chế" về các lựa chọn trả đũa sau khi một số nguồn lực của nước này bị suy giảm vì các cuộc tấn công gần đây.
"Tôi nghĩ phía Iran nhận thức được rằng khả năng gây thiệt hại trong lãnh thổ Israel của họ thực sự khá hạn chế", ông Brennan nói.
Hãng tin PressTV dẫn thông cáo của lực lượng phòng không Iran nói rằng đòn tập kích của Israel chỉ gây "thiệt hại hạn chế, không nghiêm trọng". Giới quan sát cho rằng đây dường như là cách Iran giảm nhẹ tác động từ vụ tấn công, nhưng cảnh báo những gì diễn ra có thể chỉ mới là "giai đoạn đầu của một vòng xung đột mới" giữa hai nước nếu Tehran quyết định đáp trả.
Đối với Iran, cuộc trả đũa của Israel là điều chưa từng có suốt hàng chục thập kỷ qua. Kể từ sau chiến tranh Iran - Iraq năm 1980-1988, Tehran chưa từng phải hứng chịu cuộc tấn công như vậy trên lãnh thổ.
Giới lãnh đạo Iran không muốn bùng phát chiến tranh khu vực, đặc biệt khi xét đến hiện diện quân sự lớn của Mỹ, đồng minh của Israel, ở Trung Đông.
"Họ hiểu rằng bất kỳ phản ứng tiếp theo nào của họ sẽ đưa nước này đến gần với chiến tranh hơn, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể chấp nhận không đáp trả hay không", Danny Citrinowicz, nhà nghiên cứu của Chương trình Trung Đông thuộc tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, cho hay.
Các nhà phân tích cho rằng tình hình có leo thang hay không phụ thuộc những hành động tiếp theo của Iran. "Bây giờ quả bóng đang ở trên sân Iran. Nếu Iran có hành động quân sự sau cuộc tấn công trả đũa của Israel, tình hình có thể leo thang hơn nữa", Frantzman nói.
Vị trí Israel, Iran và các nước trong khu vực. Đồ họa: BBC
Thùy Lâm (Theo JPost, Times of Israel, NBC News)