Chuyên mục  


Khoảng 20 người biểu tình hôm nay chặn lối vào một tòa nhà của Đại học Copenhagen để phản đối cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza giữa Israel và Hamas. Ba người sau đó xông vào tòa nhà này.

Cảnh sát đã bắt 6 người biểu tình, song không công bố danh tính của họ. Tuy nhiên, phát ngôn viên tổ chức Sinh viên chống Hành vi chiếm đóng cho biết nhà hoạt động Thụy Điển Greta Thunberg, 21 tuổi, là một trong số những người bị bắt.

Hình ảnh do nhật báo Ekstra Bladet đăng cho thấy Thunberg bị còng tay, xung quanh là cảnh sát áp giải. Theo tờ này, cảnh sát sẽ thẩm vấn nhóm người bị bắt, trước khi xác định có thả họ hay không.

"Vẫn còn quá sớm để nói về bất cứ việc gì đã xảy ra trong trường đại học", cảnh sát cho hay.

Nhà hoạt động Greta Thunberg bị còng tay sau khi bị bắt trong cuộc biểu tình phản đối chiến sự Gaza tại Copenhagen, Đan Mạch ngày 4/9. Ảnh: Ekstra Bladet

Tổ chức Sinh viên chống Hành vi chiếm đóng nói rằng họ biểu tình để phản đối sự hợp tác giữa Đại học Copenhagen và các trường đại học Israel. "Chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi Đại học Copenhagen chấm dứt mọi hợp tác với các trường đại học ở Israel", nhóm này tuyên bố.

Tuy nhiên, người biểu tình sau đó vẫn bị cảnh sát Copenhagen giải tán và phải rời đi.

Chiến sự ở Gaza bùng phát từ tháng 10/2023 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo cơ quan y tế ở Gaza, hơn 40.800 người đã thiệt mạng và khoảng 94.300 người bị thương do giao tranh ở dải đất này.

Greta Thunberg nổi tiếng quốc tế từ năm 2018, khi bãi khóa để biểu tình vì môi trường bên ngoài quốc hội Thụy Điển hàng tuần. Phòng trào của cô lan rộng khắp cả nước, thu hút hàng triệu học sinh và gây tiếng vang toàn cầu.

Năm 2019, Thunberg chỉ trích người lớn và các lãnh đạo thế giới không chịu hành động chống lại biến đổi khí hậu tại Liên Hợp Quốc. Những năm gần đây, Thunberg thường xuyên tham gia biểu tình và bị cảnh sát áp giải, tạm giam.

Hồi tháng 2, tòa London tuyên Thunberg trắng án trong vụ cô bất tuân lệnh cảnh sát, sau khi bị yêu cầu rời khỏi cuộc biểu tình chặn lối vào một hội nghị dầu khí vào năm ngoái. Hai tháng sau, cô bị cảnh sát Hà Lan bắt do tham gia biểu tình chặn đường cao tốc để phản đối nhiên liệu hóa thạch, song được thả sau đó.

Huyền Lê (Theo Reuters, Ekstra Bladet)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020