Trong phiên giao dịch 7/7, giá yen tăng 1,4% so với đôla Mỹ, chạm 142 JPY đổi một USD. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3.
USD mất giá khi số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 6, nước này tạo ra ít việc làm nhất trong 2,5 năm. Số việc làm mới trong tháng 4 và 5 cũng giảm.
"Tâm lý phòng trừ rủi ro tuần này thống trị thị trường. Nhà đầu tư cũng đang lo ngại giới chức Nhật Bản sắp can thiệp vào thị trường tiền tệ", Joe Manimbo – nhà phân tích thị trường cấp cao cho biết trên Reuters.
Diễn biến tỷ giá USD/JPY từ đầu năm, cho thấy yen Nhật gần đây liên tục yếu đi.
Yen yếu đi từ giữa tháng 6, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 16/6 thông báo giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. Động thái này trái ngược với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến nhà đầu tư bán đồng tiền này để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn.
Yen là một trong những tiền tệ có diễn biến tệ nhất năm nay. Tháng trước, mỗi đôla Mỹ đổi được 145 yen – mức chưa từng có kể từ tháng 11 năm ngoái.
Hôm qua, Eisuke Sakakibara – cựu Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản giai đoạn 1997 – 1999 dự báo yen có thể về đáy 3 năm so với đôla Mỹ, tại 160 JPY một USD. Ở mức này, ông cho rằng giới chức Nhật Bản có thể sẽ can thiệp để hỗ trợ nội tệ.
Tuần này, Bộ Lao động Nhật Bản cũng thông báo lương nhân công tháng 5 tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 1995. Việc này càng củng cố quan điểm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ phải thay đổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo hiện tại.
"Họ từng nói rất rõ ràng rằng nếu có bằng chứng cho thấy tăng trưởng lương mạnh hơn, bền vững hơn, họ sẽ thêm tự tin rằng có thể đạt mục tiêu lạm phát và rời bỏ chính sách tiền tệ lỏng lẻo", Lee Hardman – chiến lược gia tại MUFG cho biết.
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)