Chuyên mục  


Truyền thông Mỹ ngày 15/1 dẫn nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết trong các cuộc "đàm phán diện hẹp" đang diễn ra tại Qatar, phái đoàn Nga và Ukraine thảo luận về những quy tắc nhằm bảo vệ các cơ sở hạt nhân khỏi nguy cơ bị nhắm mục tiêu. Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine tấn công các nhà máy điện hạt nhân ở các tỉnh Zaporizhzhia và Kursk, song Kiev bác bỏ.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine giấu tên cho biết trong các cuộc đàm phán bí mật này, hai bên chỉ đối thoại về vấn đề trao đổi tù binh và đưa trẻ em Ukraine ở Nga về nước.

Kiev cáo buộc Moskva giữ trái phép gần 20.000 trẻ nhỏ Ukraine sau khi chiến sự bùng phát, chưa tới 400 em được trở về nhà. Nga bác cáo buộc, nói rằng họ sơ tán trẻ nhỏ khỏi khu vực giao tranh để đảm bảo an toàn cho các em.

Nga và Ukraine đã nhiều lần tiến hành trao đổi tù binh kể từ đầu xung đột. Moskva và Kiev hôm 15/1 xác nhận đã tiến hành cuộc trao đổi mới nhất, trong đó mỗi bên nhận lại 25 quân nhân.

Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin Nga đang đối thoại với Ukraine ở Qatar.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước khi hai phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán tại Istanbul tháng 3/2022. Ảnh: AFP

Washington Post hồitháng 8/2024 cho biết Moskva và Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán về khả năng tạm ngừng tập kích hạ tầng năng lượng của nhau, địa điểm đối thoại cũng được cho là ở Qatar. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán đã bị gián đoạn sau khi Ukraine mở chiến dịch tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk đầu tháng 8 cùng năm.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau đó phủ nhận thông tin, cho rằng đây chỉ là "tin đồn".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khi đó cũng khẳng định hai bên không tiến hành cuộc thảo luận nào về "cơ chế an ninh" đối với hạ tầng quan trọng. Bà nhấn mạnh Nga và Ukraine không còn đối thoại kể từ mùa xuân năm 2022, thời điểm hòa đàm giữa hai bên tại Istanbul sụp đổ. Moskva cáo buộc phương Tây là nguyên nhân khiến cuộc hòa đàm này đổ vỡ.

Ukraine từ chối đối thoại trực tiếp với Nga kể từ khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cuối năm 2022 ban hành lệnh cấm làm điều này. Trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 15/1, Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga xác nhận lệnh cấm vẫn còn hiệu lực, thêm rằng Kiev sẽ chờ tiếp xúc thêm với Mỹ trước khi tiến hành bất cứ động thái nào.

Moskva nhiều lần khẳng định nước này sẵn sàng hòa đàm vào bất kỳ thời điểm nào mà không cần điều kiện tiên quyết nào khác ngoài những điều mà các bên đã nhất trí tại vòng đàm phán ở Istanbul đầu năm 2022. Theo dự thảo thỏa thuận do phía Nga công bố khi đó, Ukraine đồng ý duy trì tình trạng trung lập và chấp nhận các hạn chế đối với việc triển khai vũ khí nước ngoài trên lãnh thổ.

Phạm Giang (Theo RT, Washington Post, New Voice of Ukraine)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020