Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu phát sinh vướng mắc, bất cập - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo chủ trương về nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức tín dụng, Thủ tướng đã phê duyệt các đề án về tái cơ cấu (gồm đề án 254, đề án 843 và đề án 1058). Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu.
Tuy vậy, thông báo kết luận chỉ ra, việc xếp loại các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được thực hiện, đặc biệt là chưa phân loại tổ chức tín dụng yếu kém với các Ngân hàng Phương Nam (PNB), Việt Á (VAB) và Quốc dân (NCB).
Nhiều bất cập trong cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần
Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ một số chỉ đạo của Thủ tướng về tái cơ cấu NCB, như việc chưa làm rõ mối quan hệ giữa Navibank và Westernbank; chấm dứt hoạt động của tổ giám sát tại NCB khi chưa thực hiện xong cơ cấu, phê duyệt tăng trưởng tín dụng khi những tồn tại của NCB chưa được khắc phục.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt một số cơ chế xử lý, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, hợp nhất, sáp nhập còn hạn chế, khuyết điểm. Như việc cho phép Sacombank trích lập dự phòng, phân bổ dự phòng rủi ro chưa chặt chẽ về pháp lý; phê duyệt cho SHB với khoản ủy thác đầu tư, góp vốn chưa đúng quy định; chấp thuận cho SHB chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu là chưa đúng quy định.
Đáng chú ý, việc thực hiện phương án tái cơ cấu, sáp nhập, cơ cấu lại tổ chức tín dụng sau sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt còn hạn chế, vi phạm.
Ví dụ, một số tổ chức tín dụng chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị thanh tra như việc VietBank và Sacombank vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng; SHB chưa thoái toàn bộ lãi dự thu; NCB chưa khắc phục triệt để các kiến nghị; Sacombank, HDBank chậm xử lý khắc phục vi phạm về sở hữu chéo, góp vốn, mua cổ phần; ABBank chưa thực hiện xong thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết; kết quả cơ cấu lại Sacombank có nhiều bất cập...
Chưa đánh giá đúng thực trạng nợ xấu
Đối với việc thực hiện đề án 843, kết quả xử lý nợ xấu của một số ngân hàng như LPB, MSB, ABBank, VAB, SHB, HDBank, BacABank, Seabank, BaovietBank, VietBank chưa đánh giá đầy đủ, đúng thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng và giải pháp.
Giai đoạn 2013-2017, Ngân hàng Nhà nước báo cáo tỉ lệ nợ xấu có xu hướng giảm, ở mức dưới 3% nhưng thực chất tỉ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý vẫn trên 3%. Kiểm tra phát hiện một số ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ xấu như: SHB, Sacombank, NAB.
Việc cấp tín dụng với một số khách hàng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có thiếu sót, vi phạm; có trường hợp chậm trả gốc, lãi nhưng tổ chức tín dụng chưa chuyển nợ quá hạn, nợ xấu. Có tình trạng tập trung tín dụng cho một khách hàng, một dự án nhưng thẩm định điều kiện vay vốn, giải ngân có thiếu sót, vi phạm. Hoạt động Ngân hàng Quốc dân, Ngân hàng Việt Á tích tụ nhiều rủi ro…
Về xử lý nợ xấu tại VAMC, thông báo cho hay việc xử lý thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt, dù đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại các hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, có trường hợp mua nợ xấu dựa trên thông tin thiếu cơ sở pháp lý, chưa đảm bảo minh bạch.
Việc theo dõi thu hồi nợ xấu chưa sát, để cho ABBank thu nợ nhưng không nộp kịp thời vào tài khoản. Một số ngân hàng trích lập thiếu dự phòng như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Xây dựng, Hàng Hải, Đông Á…. Việc mua nợ có tình trạng tài sản đảm bảo chưa đáp ứng điều kiện, chưa được định giá.