Chuyên mục  


Bà Nguyễn Thị Trang, 43 tuổi, ở xã Bình Thành, Giồng Trôm có nửa ha vườn dừa trên 10 năm tuổi, mỗi tháng thu hoạch một lần khoảng 500 trái. Bà vừa thuê nhân công bón phân, dọn vườn sau khi bán xong đợt trái. Với giá hơn 130.000 đồng mỗi chục 12 trái, đợt này, bà thu gần 6 triệu đồng.

Cơ sở thu mua dừa khô tại chợ dừa sông Thơm, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Nam An

Cách đó 3 km, ông Phan Văn Định, 69 tuổi cũng phấn khởi với 2.000 m2 vườn dừa khô. Với mức giá cao 130.000-140.000 đồng một chục, ông kiếm hơn 3 triệu đồng.

"Tính ra đợt này dừa cho thu nhập cao gấp 3 lần những năm trước, nông dân nhờ vậy có thêm chi phí chăm sóc vườn, vô phân thuốc, vét mương trữ nước chuẩn bị cho đợt hạn mặn sau tết", ông Định nói.

Theo nhiều thương lái thu mua dừa tại Bến Tre, giá tăng cao do đang thời điểm nghịch vụ, dừa khan hiếm cộng với nhu cầu nguyên liệu sản xuất bánh mứt tết tăng cao.

Những năm trước, giá dừa bấp bênh, có thời điểm chạm đáy chỉ từ 1.000-2.000 đồng một trái. Thêm vào đó là tình trạng dịch sâu đầu đen lan rộng khiến nhiều nhà vườn nản lòng phải đốn bỏ dừa khô, trồng lại dừa uống nước.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, giá dừa nhiều năm bấp bênh do chỉ cung ứng chủ yếu thị trường nội địa. Cuối tháng 10, tỉnh này lần đầu tiên xuất khẩu dừa chính ngạch sang thị trường tỷ dân Trung Quốc, người trồng dừa vì thế có đầu ra ổn định hơn.

Bến Tre có hơn 80.000 ha dừa với sản lượng gần 690 triệu trái mỗi năm, trong đó 80% diện tích là dừa khô. Cây dừa cũng là nguồn sinh kế của hơn 170.000 hộ dân, chiếm 70% dân số địa phương này.

Tỉnh hiện có 28 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác sản xuất dừa công nghiệp (dừa khô) rộng gần 5.5 ha, gần 6.000 thành viên. Ngoài ra, tỉnh có khoảng 16.000 ha diện tích dừa hữu cơ, chiếm hơn 20%.

Nam An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020