Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của ngành nông nghiệp - Ảnh: C.TUỆ
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngày 27-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thị trường, chỉ dẫn địa lý.
Thành công nổi bật ở các nhóm hàng chủ lực
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm nay các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ, rau quả, gạo, cà phê đều lập kỷ lục mới. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê đạt gần 5,5 tỉ USD, tăng hơn 1 tỉ USD so với kỷ lục cũ, dù sản lượng giảm.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng mạnh từ 2.500 USD/tấn lên hơn 4.000 USD/tấn, kéo giá trong nước lên 100.000 - 134.000 đồng/kg, mang lại một năm "bội thu" cho nông dân Tây Nguyên. Xuất khẩu rau quả năm 2024 cũng đạt mức cao lịch sử với 7,12 tỉ USD, trong đó sầu riêng đóng góp hơn 3 tỉ USD.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là kết quả của nhiều năm tích lũy, đặc biệt với các loại cây lâu năm như sầu riêng, bưởi và nhãn. Các thị trường lớn như Trung Quốc đã chấp nhận xuất khẩu chính ngạch 15 loại trái cây, giúp ngành rau quả Việt Nam tăng trưởng mạnh. Sầu riêng tăng 47%, chuối tăng 21%, nhãn tăng 363% và dừa tăng 71%.
Dù đạt nhiều thành tựu, ngành rau quả vẫn đối mặt với những điểm yếu như chất lượng chưa ổn định, mức độ an toàn thấp và liên kết chuỗi cung ứng dễ bị đứt gãy. Ông Bình nhấn mạnh nếu không khắc phục sớm, các vấn đề này có thể làm giảm uy tín của ngành trong mắt người tiêu dùng.
Dự báo năm 2025, ngành nông nghiệp có thể gặp khó khăn mới do biến động kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và thặng dư thương mại cao với Mỹ. Tuy nhiên, ông Bình tin tưởng rằng tiềm năng sản xuất và năng lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng.
Nhà máy chế biến nha đam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông của Công ty GC Food - Ảnh: V.A.MINH
Về mục tiêu năm 2025, Thủ tướng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp là 3,5-4% và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỉ USD.
Đề xuất cải thiện và mở rộng thị trường
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những thành tựu đạt được trong bối cảnh đầy thách thức. Ngành nông nghiệp đã thể hiện tinh thần "biến không thành có", vượt qua những khó khăn từ thị trường thế giới bị đứt gãy và thiên tai trong nước để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời duy trì xuất khẩu ổn định.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Ngành nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trong việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững.
Để giải quyết những tồn tại này, Thủ tướng đề ra 5 giải pháp trọng tâm: xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam, quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, cải thiện chỉ dẫn địa lý và bao bì sản phẩm, và hỗ trợ vốn cho nông dân.
Trong chiến lược phát triển thị trường, Thủ tướng nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới tiềm năng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cảnh báo không nên tự mãn với thành quả đạt được, đồng thời nhấn mạnh việc cần khắc phục những điểm yếu về chất lượng và an toàn sản phẩm.
Ông đề xuất tập trung vào việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tiên tiến để giảm thiểu tổn thất và nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như tăng cường năng lực tuân thủ của doanh nghiệp đối với yêu cầu thị trường.
Về xuất khẩu, ông kiến nghị đẩy mạnh đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, hỗ trợ người sản xuất trong việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đặc biệt, cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho các loại rau quả xuất khẩu chủ lực.