Chuyên mục  


qdchungkhoanyuanta40-17209657035841051508117.jpg

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần chịu áp lực với ba phiên giảm liên tiếp sau khi tiến sát về đỉnh cũ quanh 1.300 điểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau ba phiên giảm liên tiếp, VN-Index tuần qua dừng ở 1.280,75 điểm. Thanh khoản bình quân tuần qua có sự cải thiện nhưng số cổ phiếu đỏ nhiều hơn xanh trong bối cảnh thị trường đón tin hỗ trợ ở trong nước lẫn quốc tế.

Loạt yếu tố rủi ro vẫn 'đè' lên tâm lý thị trường chứng khoán

* Ông Đoàn Minh Tuấn - trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT:

- VN-Index tiếp cận lại ngưỡng kháng cự 1.280 - 1.300, thị trường xuất hiện hiện tượng cung cổ phiếu tăng do chốt lời vùng đỉnh.

Khi chỉ số tiệm cận lại vùng kháng cự mạnh quá nhanh, dòng tiền đầu tư trên thị trường cũng ngập ngừng hơn, kìm hãm xu hướng tăng ngắn hạn.

Chưa kể, thị trường còn hàm chứa một số rủi ro ngắn hạn, chưa ủng hộ kịch bản bứt phá 1.300. Đơn cử như động thái bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, trung bình lên đến 800 - 1.200 tỉ đồng/phiên.

Áp lực tỉ giá, lãi suất vẫn tác động lớn đến tâm lý dòng tiền đầu tư lớn, dù số liệu đang cho thấy rủi ro này đã giảm theo kế hoạch đảo chiều hạ lãi suất của Fed trong quý 3 này.

Kết quả kinh doanh quý 2-2024 không được tích cực tại một số doanh nghiệp cũng là rủi ro được nhiều nhà đầu tư tính đến.

Theo dự phóng của chúng tôi, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn sẽ cải thiện hơn ở quý 2. Song cần lưu ý, sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa các ngành khi kinh tế bước vào chu kỳ phục hồi.

Chúng tôi dự báo một số ngành có triển vọng lợi nhuận tốt, gồm: ngân hàng - vốn hóa vừa và nhỏ với danh mục cho vay tập trung khách hàng doanh nghiệp lớn.

Ngành chăn nuôi cũng được dự đoán có mức tăng trưởng kinh doanh "khủng" quý 2, nhờ giá thịt heo tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay.

Hay ngành hàng không - vận tải hàng không cũng được dự báo tăng trưởng rất cao khi lượng du khách quốc tế tăng rất mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng không lớn hơn nhiều so với nguồn cung có thể đáp ứng…

Ngoài ra, một số ngành khác như điện - nhiệt điện (hưởng lợi lớn từ nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất cao) hay ngành nhựa - cao su hưởng lợi lớn từ nhu cầu xuất khẩu tăng cao cùng với giá xuất khẩu.

Ngành dệt may với triển vọng đơn hàng phục hồi rất tốt trong 2024 so với vùng đáy cùng kỳ năm ngoái, cùng với các yếu tố hỗ trợ như gia tăng biên lợi nhuận, tỉ giá tăng mạnh.

Chiến lược chung có thể giữ tỉ trọng ở mức trung bình

* Ông Phạm Quang Chương, chuyên gia chứng khoán Phú Hưng:

- Thị trường có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp với diễn biến giằng co biên độ hẹp của các chỉ số chính. Độ rộng thị trường cho thấy sự áp đảo của số mã giảm giá.

Tuy nhiên trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm và các nhà đầu tư đứng ngoài quan sát, áp lực bán ở các nhóm ngành trụ cột nhìn chung không mạnh.

Ở chiều ngược lại, ở phiên cuối tuần qua vẫn có một vài cổ phiếu Bluechips riêng lẻ tăng tốt, góp phần giữ nhịp thị trường.

Trong khi đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ nổi bật một vài cái tên như phân bón, dược phẩm y tế, thủy sản, xi măng.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm. Tín hiệu vẫn đang cho thấy áp lực bán yếu, phù hợp với kỳ vọng nhịp điều chỉnh tích cực.

Chỉ số hiện đang gần hỗ trợ quanh 1.270, sẽ cần một phiên tăng cầu tốt trở lại để xác nhận kết thúc điều chỉnh.

Chiến lược chung có thể giữ tỉ trọng ở mức trung bình và chờ tín hiệu điều chỉnh tích cực để gia tăng thêm, ưu tiên chú ý các nhóm như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, dầu khí, xuất nhập khẩu, thép, vận tải biển, khu công nghiệp, phân bón.

Cổ phiếu công nghệ thông tin bị xả mạnh

Theo thống kê của SHS, nhóm ngành giảm điểm tuần này gồm có công nghệ thông tin sau thời gian tăng điểm mạnh vừa qua với các mã tiêu điểm như FPT (-3,53%), CMG (-0,62%), ICT (-8,61%), ITD (-4,1%)...

Ngoài nhóm công nghệ thông tin, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến tiêu cực như viễn thông, tiêu biểu với MFS (-14,58%), ABC (-11,9%), TTN (-4,33%)...

Nhóm cổ phiếu bia giao dịch trong sắc đỏ với SAB (-3,45%), BHN (-2,17%)... Hay nhóm cổ phiếu thực phẩm giảm điểm với MSN (-2,48%), VNM (-1,34%), DBC (-3,55%)...

Ngược lại, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã tăng điểm như ngành dầu khí với PVB (+6,99%), BSR (+4,82%), PLX (+5,35%), OIL (+2,13%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính diễn biến phân hóa, phần lớn đi ngang hoặc giảm nhẹ ngoài một số mã tích cực như NTL (+14,5%), HDG (+6,44), MBS (+7,01%), BVS (+7,4%)…

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020