Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay dự kiến là trận tái đấu giữa Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump, đảng Cộng hòa. Ông Biden, 81 tuổi và ông Trump, 78 tuổi, đều là ứng viên tổng thống lớn tuổi nhất của hai chính đảng trong lịch sử Mỹ. Ông Biden đang là tổng thống lớn tuổi nhất lịch sử Mỹ.
Tuổi của hai ứng viên là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm từ cử tri Mỹ. Kết quả thăm dò do New York Times/Siena College thực hiện cho thấy 74% cử tri đã đăng ký cho rằng ông Biden "quá già để đảm nhiệm ghế tổng thống hiệu quả", tỷ lệ này của ông Trump là 43%. Hai ứng viên đều khẳng định họ đủ minh mẫn để lãnh đạo Mỹ thêm 4 năm.
Năm 1984, ông Ronald Reagan, đảng Cộng hòa, cũng đối mặt câu hỏi tương tự khi tranh cử nhiệm kỳ hai ở tuổi 73. Ông Reagan là ứng viên lớn tuổi nhất của một chính đảng vào thời điểm đó, đã cam kết từ chức nếu sức khỏe sa sút.
Ông Ronald Reagan (phải) và ông Walter Mondale trong cuộc tranh luận đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1984 ở Louisville, bang Kentucky. Ảnh: Reuters
Vấn đề tuổi tác của Reagan, sinh năm 1911, được chú ý từ trước khi ông đắc cử và nhậm chức nhiệm kỳ đầu, trở thành tổng thống lớn tuổi nhất lịch sử Mỹ vào năm 1981.
"Nếu tôi là tổng thống và cảm thấy năng lực suy giảm trước khi đến nhiệm kỳ hai, tôi sẽ rời đi", ông trả lời New York Times ngày 10/6/1980. "Với nhiệm kỳ hai, tôi cũng sẽ từ chức trong trường hợp tương tự".
Trong nhiệm kỳ đầu, vấn đề tuổi tác dần bị lu mờ. Các câu hỏi về sức khỏe lúc này đều liên quan quá trình hồi phục của ông Reagan sau khi ông bị thủng phổi và gãy xương sườn trong vụ ám sát năm 1981.
Bối cảnh khi đó thuận lợi để ông Reagan tái tranh cử. Tổng thống Cộng hòa đưa Mỹ thoát suy thoái kinh tế, tỷ lệ ủng hộ từ 35% khi nhậm chức lên trên 50%, mốc được cho là tiêu chuẩn để một tổng thống đương nhiệm có thể tái đắc cử. Khảo sát tháng 10/1984 của Gallup cho thấy tỷ lệ này là 58%.
Reagan dẫn trước Mondale, người khi đó 56 tuổi, trong các khảo sát. Tranh luận vốn không được coi là trở ngại với một người từng là diễn viên Hollywood. Nhưng lần đối mặt đầu tiên của ông với Mondale ngày 7/10/1984 lại gây thất vọng, đưa vấn đề tuổi tác trở lại. Tổng thống Reagan khi đó nói lan man và ngập ngừng. Ông dường như mất tập trung, có vẻ mệt mỏi.
"Chưa ai từng thấy ông ấy có màn thể hiện trước công chúng tệ như vậy", phóng viên Rich Jaroslovsky, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Tin tức Trực tuyến (ONA), trụ sở Washington nhớ lại. Cuộc tranh luận khiến đội ngũ tranh cử, người ủng hộ ông Reagan và giới quan sát nói chung lo ngại. Khoảng cách giữa hai ứng viên trong các kết quả khảo sát dần thu hẹp.
"Khi tập dượt tranh luận, ông Reagan bất chợt trông già nua và mệt mỏi. Và đó cũng là cách ông ấy thể hiện trước hàng triệu người dân Mỹ ở Louisvillie", phóng viên Lou Cannon của Washington Post mô tả, nhắc đến địa điểm tổ chức cuộc tranh luận đầu tiên.
Ronald Reagan (trái) và Walter Mondale trong cuộc tranh luận thứ hai năm 1984. Ảnh: Wikimedia
Cuộc tranh luận thứ hai diễn ra ngày 21/10/1984 tại Kansas City, bang Missouri. Sau khi sự kiện bắt đầu được 33 phút, Henry Trewhitt của tờ Baltimore Sun, một trong những người điều phối, đề cập việc trợ lý nhận thấy ông Reagan "mệt mỏi" sau sự kiện ở Louisville.
Tổng thống Reagan đứng thẳng người và mỉm cười. Ông đã sẵn sàng đối mặt vấn đề. Trewhitt lưu ý các cuộc khủng hoảng có thể xuất hiện bất kể ngày hay đêm, như Tổng thống John F. Kennedy (một trong những tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Mỹ) gần như không ngủ trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba.
"Ông có nghi ngờ về khả năng làm việc của mình trong những tình huống tương tự hay không?', ông Trewhitt hỏi.
"Không hề", Reagan trả lời. "Và tôi muốn ông hiểu rằng tôi sẽ không coi tuổi tác là một vấn đề trong quá trình tranh cử. Tôi sẽ không lợi dụng việc đối thủ trẻ hơn và ít kinh nghiệm hơn vì mục đích chính trị".
Khán giả hò reo, thậm chí ông Mondale cũng bật cười. Đây được cho là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử vận động tranh cử Mỹ. Một tháng sau, ông Reagan đắc cử, thắng ông Mondale tại 49 bang, ngoại trừ bang quê nhà Minnesota của đối thủ và thủ đô Washington.
Tổng thống Ronald Reagan gây ấn tượng trong cuộc tranh luận lần hai của mùa bầu cử 1984. Video: Iptv
Ông Biden cũng đang đối mặt tình huống tương tự ông Reagan sau cuộc tranh luận thứ nhất. Tổng thống đương nhiệm có màn thể hiện gây thất vọng khi tranh luận với ông Trump ngày 27/6. Đội ngũ tranh cử cho biết ông Biden mệt mỏi sau hai chuyến công du nước ngoài trước đó và bị cảm nhẹ. Nội bộ Dân chủ dấy lên lo ngại, một số nghị sĩ đảng này đã công khai kêu gọi ông rời cuộc đua.
Trong cuộc họp báo ngày 11/7, ông Biden cố xóa bỏ nỗi lo ngại nhưng ông đã hai lần nói nhầm trong ngày hôm đó, gọi ông Zelensky là "Tổng thống Putin" và gọi bà Harris là "Phó tổng thống Trump". Điều này khiến nhiều người lo ngại ông không thể lật ngược tình thế giống như Reagan.
Tổng thống Biden khẳng định sẽ tiếp tục tranh cử, không ai có thể đẩy ông khỏi cuộc đua. "Tôi không đi đâu hết. Tôi sẽ ở trong cuộc đua này đến cùng và chúng ta sẽ thắng", ông nói.
Ông Trump và ông Biden dự kiến có cuộc tranh luận thứ hai vào ngày 10/9, do ABC News tổ chức. Thời gian, địa điểm, hình thức sự kiện hiện chưa được công bố.
Tuy nhiên, Jaroslovsky cho rằng ông Biden đang đối mặt câu hỏi sâu xa hơn nhiều. "Cuộc tranh luận quan trọng nhất lúc này đang diễn ra trong tâm trí Tổng thống Biden, giữa một phần tâm trí nói rằng ông là người được chọn, và phần còn lại có nhận thức rõ hơn về bản thân", Jaroslovsky bình luận.
Như Tâm (Theo AP, NPR)