Chuyên mục  


Bài học từ quá khứ

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), việc giá dầu thô trên thế giới đang hạ nhiệt là yếu tố có thể giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát năm nay trong ngưỡng mục tiêu 4%. Quan điểm trên được ông Thành trình bày tại Diễn đàn Kinh doanh do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 4/8.

Theo chuyên gia kinh tế này, áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Do đó, nếu giá dầu thế giới không tăng mạnh trở lại, Việt Nam có thể vẫn kiềm chế được lạm phát.

Lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới khi chỉ ở mức 3,1% sau 7 tháng đầu năm. Chính vì vậy, Việt Nam chưa phải thắt chặt chính sách tiền tệ như nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lưu ý bối cảnh toàn cầu trong hai năm tới 2023-2024 sẽ không khả quan khi lịch sử cho thấy các giai đoạn Mỹ, EU thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến khả năng suy thoái kinh tế thế giới. Nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động nên nhà điều hành phải chuẩn bị dư địa chính sách để bảo vệ tăng trưởng trong nước.

Vì vậy, ông Thành cho rằng cơ quan quản lý sẽ kiên định với việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng. Dù không ở trong trạng thái phải thắt chặt, nhà điều hành chính sách cũng sẽ không nới rộng tín dụng. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Ảnh: Forbes).

"Chúng ta luôn lo lắng sự bất ổn vĩ mô có lặp lại như hơn 10 năm trước hay không. Giai đoạn đó, chúng ta đã rút ra bài học về độ trễ của lạm phát và tăng trưởng tín dụng. Lạm phát sẽ không kiểm soát được sau khi tín dụng tăng quá mức", ông Thành cho hay. 

Chuyên gia của Fulbright đánh giá lý do nói trên khiến cơ quan quản lý vẫn đang kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dù bối cảnh nền kinh tế hồi phục trong năm nay đòi hỏi nhu cầu vay vốn rất lớn đối với cả ngành công nghiệp và dịch vụ.

Theo ông Thành, tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể sẽ cao hơn mục tiêu ban đầu là 14% nhưng cũng khó vượt quá 15%. Cơ quan điều hành vẫn phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng để đảm bảo lạm phát không chỉ năm nay mà trong cả năm tới vẫn ở trong mức mục tiêu, đảm bảo cân đối vĩ mô. 

Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho một số ngân hàng thương mại trong thời gian tới khi kịch bản vĩ mô ổn định. Còn hiện tại, có thể cơ quan quản lý vẫn thận trọng nên chưa nới room cho các ngân hàng.

Ngân hàng tìm giải pháp thích nghi 

Trao đổi với Dân trí bên lề sự kiện, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng dự báo, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, hạn mức được cấp thêm bao nhiêu và khi nào được nới room phụ thuộc vào cơ quan quản lý.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ phải thích nghi, tìm giải pháp để đảm bảo dư nợ ở mức Ngân hàng Nhà nước cho phép nhưng tổng thu nhập vẫn phải tăng trưởng thông qua việc đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, kinh doanh dịch vụ. 

Trước đó, trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ngành ngân hàng ngày 4/8 tại Hà Nội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định quan điểm điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14% nhưng có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại sau 7 tháng đầu năm đạt 9,4% không chỉ cao hơn cùng kỳ hai năm 2020-2021 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà vượt cả năm 2019. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020