Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt hỗ trợ người dân trong quá trình khiếu nại, khởi kiện công ty bảo hiểm - Ảnh: BÔNG MAI
Từ việc không được nắm giữ bản hợp đồng gốc, đến tình trạng đại lý làm sai quy trình, hay sự thiếu minh bạch trong quá trình giải quyết bồi thường.
Đây là những rào cản khiến nhiều người dân đành bỏ cuộc giữa chừng dù đang đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt cho biết:
- Không chờ đến hiện tại, trong khoảng thời gian làm việc tại các công ty bảo hiểm, tôi đã âm thầm hỗ trợ về mặt pháp lý cho nhiều khách hàng và đại lý. Lúc đầu tôi nghĩ người dân có bảo hiểm nhân thọ là tốt.
Nhưng sau khi tiếp xúc với rất nhiều ca không được bồi thường thỏa đáng, chật vật thưa kiện nhiều năm ròng, tôi càng thấm rằng: Trước khi tuyên truyền bán bảo hiểm, phải giải quyết rốt ráo quyền lợi cho những người đã mua.
Lúc trước phía doanh nghiệp thường nghĩ cái có lợi cho khách hàng, tìm lý do chính đáng để chi trả quyền lợi, không chi được 100% thì chi 50%. Tuy nhiên bây giờ rất nhiều trường hợp vạch lá tìm sâu, không chi đồng nào luôn, từ chối thẳng.
Chưa kể chất lượng tư vấn bảo hiểm có vấn đề lớn, đại lý làm sai một cách đại trà. Công ty bề ngoài thì nói đã "xem xét cẩn trọng toàn bộ hồ sơ", nhưng thực tế có những trường hợp theo xu hướng đổ vấy lỗi do khách hàng, khỏa lấp việc đại lý bảo hiểm sai phạm, cùng lắm thì cho đại lý nghỉ việc, khách bơ vơ, không biết tìm ai để đối chất.
Yếu thế khi công ty bảo hiểm "cầm đằng chuôi"
* Theo ông, vì sao khách hàng chọn con đường khởi kiện công ty bảo hiểm?
- Tôi làm luật sư và cũng từng làm ở doanh nghiệp bảo hiểm, có những trường hợp tôi khuyên khách hàng nên giữ hợp đồng bảo hiểm lại, không hủy bỏ, cũng không nên khiếu nại, khiếu kiện theo phong trào.
Dù vậy có những ca nhận thấy rất nhiều lỗi sai từ phía công ty bảo hiểm, nhưng giải quyết êm đẹp không được, nên khách hàng quyết khởi kiện tới cùng, đòi lẽ phải.
Hiện tôi đang hỗ trợ nhiều khách hàng khiếu kiện các công ty bảo hiểm khác nhau, trong đó có ca liên quan đến bồi thường.
Nhiều trường hợp thưa kiện do bị lừa chuyển từ tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ, đa số là người lớn tuổi. Ngoài ra có đại lý kiện do công ty trì hoãn mãi không chịu cắt mã số (code), khiến họ không đi làm ở nơi khác được.
* Công ty bảo hiểm có tài chính mạnh, đội ngũ pháp lý bài bản, điều khoản hợp đồng cũng do công ty soạn. Vậy trong quá trình hỗ trợ pháp lý để khởi kiện, ông thấy khách hàng thường bị yếu thế ở những điểm nào?
- Đầu tiên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, đại lý thường cho khách ký vào những tờ rời. Sau đó tự ý kê khai không đúng về thu nhập, nghề nghiệp... để bán hàng nhanh chóng. Đến khi có rủi ro xảy ra, khách không có bằng chứng để đối chất.
Tiếp đến công ty bảo hiểm không cung cấp cho khách bản hợp đồng chính có chữ ký sống, chỉ cấp bản photo. Nên có những chỗ khách không xác định được là mình ký hay bị ai đó gian lận, chẳng hạn bằng cách giả chữ ký hoặc dùng công nghệ để dán đè lên.
Bản hợp đồng bảo hiểm photo không có giá trị pháp lý, không công chứng được, cơ quan tố tụng cũng khó xác định cái nào thuộc và không thuộc hợp đồng.
Nhiều tài liệu được xem là thuộc hợp đồng (bảng phân tích yêu cầu tài chính, đánh giá mức độ rủi ro có chữ ký khách hàng...), nhưng khách không được công ty cấp cho bản có chữ ký sống của mình.
Để sòng phẳng, tránh gian lận, công ty bảo hiểm phải đóng dấu giáp lai vào toàn bộ trang trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Những tờ nào của khách hàng, cần phải ký nháy từng trang. Hợp đồng là tài sản của khách hàng, nhưng chi trả quyền lợi thì công ty thu hồi ngay, tiềm ẩn rủi ro cho khách về sau.
Thêm vào đó khách hàng bị vướng về địa điểm khởi kiện, tại nơi cư trú của mình hay tại nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Có trường hợp bị đẩy qua đẩy lại giữa hai nơi. Cần phải tạo điều kiện để khách chọn nơi nộp đơn phù hợp với mình.
Bên cạnh đó có tòa ở TP.HCM còn yêu cầu khách hàng phải nộp bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh của công ty bảo hiểm, khiến khách hàng càng thêm nản. Vì giấy này phải liên hệ xin Bộ Tài chính có trụ sở ở Hà Nội.
Có trường hợp nộp đơn ở tòa cấp huyện mất hàng năm trời, chuyển về tỉnh mất thêm cả năm... Kéo dài quá trình thụ lý tòa án khiến khách mệt mỏi.
Tránh vì lợi ích trước mắt mà che giấu sự thật
* Theo ông, cần làm gì để khôi phục niềm tin, phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh hơn?
- Doanh nghiệp bảo hiểm khi nhận khiếu nại của khách hàng phải xử lý cho đúng, đừng vì lợi ích mà che giấu sự thật. Người dân đối đế lắm mới tới tòa án.
Ngành bảo hiểm nhân thọ có nhiều trường hợp giải quyết rất thấu đáo, nhưng cũng có những lúc công ty giải quyết không ổn, không lắng nghe, gây bức xúc, đọc nhiều văn bản rất buồn cười.
Chẳng hạn khi khách khiếu nại, công ty cố tình tránh né, nói đại lý không vi phạm, kể cả khi tài liệu đại lý gửi về là ngụy tạo, giả mạo.
Rõ ràng trong trường hợp này, khi khách yêu cầu, công ty phải hủy bỏ và trả lại tiền cho họ. Nếu khách hàng muốn giữ hợp đồng, phải kê khai lại. Vì chẳng may rủi ro đến, khách tử vong, gia đình nộp đơn yêu cầu bồi thường, công ty phát hiện thông tin không đúng và từ chối bồi thường.
Bên cạnh những khách không được bồi thường thỏa đáng còn có không ít người bị lừa từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ. Ông già bà cả bị tư vấn mập mờ, đóng mấy trăm triệu đồng vào bảo hiểm nhân thọ trong 1 - 2 kỳ đầu, rồi kỳ tiếp theo lấy tiền đâu để đóng nữa, mất trắng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng sản phẩm bảo hiểm gắn liền đời sống con người, giúp họ có thêm tài chính để an toàn hơn trước những rủi ro trong cuộc sống. Lợi ích là không thể phủ nhận. Nhưng trên thực tế có những người tiêu dùng bị xâm phạm lợi ích. Vì vậy cần phải xử lý sớm, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với những sai trái.
Vài người mất niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ có thể do họ chưa hiểu rõ, nhưng cả trăm cả ngàn người nói bảo hiểm là lừa đảo, không hài lòng thì các công ty cần xem lại cách hành xử của mình. Ngoài kiểm soát chất lượng đại lý bảo hiểm, công ty cũng cần thiết kế sản phẩm với quyền lợi tốt hơn và chi phí khách phải trả ít đi.
Qua quá trình làm việc, tôi còn thấy thực trạng khi khách hàng khởi kiện ra tòa án, có người bên bảo hiểm tỏ ra rất "khoái", vì có thể tìm cách kéo dài để khách chán nản và từ bỏ. Do đó cần có cơ chế trọng tài vào cuộc, chi phí thấp, bảo mật thông tin, làm nhanh hơn tòa án, tốt cho khách hàng.
Muốn cho ngành bảo hiểm phát triển tốt, căn bản nhất là niềm tin.
Một là công ty bảo hiểm chây ì, từ chối bồi thường vô tội vạ, giải quyết khiếu nại không sòng phẳng, mất uy tín luôn. Hai là chấp nhận trả tiền chính đáng cho khách hàng, sòng phẳng, để khôi phục và củng cố uy tín cho tương lai, giúp hoạt động kinh doanh bền vững hơn.