Chuyên mục  


dien-mat-troinamtran3-read-only-1702087733432151144260.jpg

Điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng cơ chế này không mang tính khuyến khích và đảm bảo tính công bằng trong phát triển nguồn điện.

Dự thảo mới nhất nghị định của Chính phủ về phát triển điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương đã đưa ra chính sách các nguồn điện mái nhà được lắp đặt và liên kết với lưới điện không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác mà để tự sử dụng tại chỗ.

Có nghĩa là nguồn điện này không đầu tư kinh doanh, không có phép phát động mua bán điện bao gồm cả việc bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Muốn giới hạn công suất

Với hệ thống điện mái nhà này, sẽ cho phép các đơn vị được lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện. Tuy vậy, điều đáng chú ý là sản lượng điện dư phát lên lưới được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng, tức là không được thanh toán. Công suất lắp đặt của mỗi hệ thống điện cũng phải phù hợp với phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký.

Đổi lại, Nhà nước cho phép các hệ thống này được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng chính sách này nhằm giúp doanh nghiệp, người dân có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái để tự sử dụng, giảm mua điện từ hệ thống lưới điện quốc gia. Việc đấu nối với lưới điện quốc gia sẽ giúp duy trì hoạt động điện mặt trời mái nhà và cung cấp điện khi nguồn điện mặt trời áp mái không đáp ứng đủ nhu cầu.

"Quan điểm là khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng tại chỗ, không khuyến khích lắp đặt để bán điện, phát điện vào hệ thống điện hay bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Do vậy Nhà nước sẽ cho phép điện mặt trời mái nhà liên kết, bám lưới điện trong quá trình vận hành, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên ở góc độ tiêu cực, phần sản lượng điện dư (nếu có) phát vào lưới điện quốc gia sẽ không được thanh toán" - Bộ Công Thương nêu.

Chính sách thứ hai áp dụng với trường hợp không liên kết với lưới điện quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển, song vẫn phải đáp ứng các quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Theo Bộ Công Thương, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, cung cấp cho nhu cầu tại chỗ, giảm áp lực cho ngành điện. Tuy nhiên, việc giới hạn công suất tăng thêm đến năm 2030 chỉ là 2.600 MW, nên nếu tổng công suất nguồn này vượt quá sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn điện.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần phải xây dựng chính sách đối với hệ thống điện mặt trời áp mái không liên kết với lưới điện quốc gia để không ảnh hưởng đến công tác điều độ, an ninh, vận hành an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, trường hợp này sẽ hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp trong đấu nối với lưới điện quốc gia cũng như phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, có thể phát sinh chi phí. Do vậy để hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống này, dự thảo nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện thông thoáng, giảm bớt các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

7597d688c38c4fb68c2c70235589b1a9-2-1702087733429250015267.jpg

Dữ liệu: Bộ Công Thương, EVN - Tổng hợp: N.AN - Đồ họa: T.ĐẠT

Cơ chế đề xuất chưa hợp lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-12, một nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn ở phía Nam cho biết việc phát triển điện mặt trời mái nhà không chỉ tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình, doanh nghiệp mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả.

Đặc biệt trong xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra toàn cầu, hiện rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đang ngóng chờ chính sách điện mặt trời để có thể đầu tư lắp đặt hệ thống. Chính vì vậy, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, phát triển điện mặt trời tự dùng, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân chủ động phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường là rất phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, cũng theo nhà đầu tư này, dù điện mặt trời tự dùng, nếu có chính sách linh hoạt, chẳng hạn có cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) hoặc quy định tỉ lệ điện tự dùng tại chỗ phù hợp theo hướng phục vụ tự dùng là chính, phần điện dư cho phép phát lên lưới và được bán với giá phù hợp (như có thể khoảng bằng 50% với giá bán lẻ điện). Có như vậy mới hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư, tạo khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời và tránh lãng phí điện.

2c70235589b1a9-2-1702087733425851180553.jpg

Dữ liệu: Bộ Công Thương, EVN - Tổng hợp: N.AN - Đồ họa: T.ĐẠT

Đồng quan điểm, ông Phạm Phước Bình - giám đốc Công ty CP Bincon - cho biết khi đầu tư điện mặt trời trên mái nhà xưởng, sẽ có trường hợp thứ bảy, chủ nhật hoặc nhiều thời điểm nhà máy không có đơn hàng, nếu không phát điện lên lưới do lắp thiết bị ngăn phát điện lên lưới (Zero Export) sẽ lãng phí hoặc phát điện lên lưới với giá 0 đồng cũng sẽ thiệt cho đơn vị phát điện.

Ông Bình phân tích về nguyên tắc, EVN là doanh nghiệp mua điện, nếu các công trình điện mặt trời phát lên lưới của EVN nhưng không được trả tiền trong khi EVN vẫn dùng nguồn điện đó bán cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ có khoản chênh về hóa đơn đầu vào, đầu ra.

Do đó, ông Bình cho rằng cần phải phân định rõ trong nghị định, nếu Nhà nước mua 0 đồng, nguồn điện này sẽ được hạch toán ra sao về đầu ra. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng thực tế thời gian qua có nhiều doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng sụt giảm, dẫn đến sản xuất rất ít, nếu phát điện lên lưới với giá 0 đồng sẽ thiệt thòi cho nhà đầu tư.

Nên ông Bình cho rằng các cơ quan ban hành chính sách cần nghiên cứu thêm trường hợp vào những thời điểm nhà máy dùng không hết công suất, có thể bán điện lên lưới với mức giá mang tính khuyến khích, chia sẻ giữa nhà đầu tư và Nhà nước.

"Trước đây giá bán ở mức cao, hiện nay chủ yếu là đầu tư tự dùng nên Nhà nước có thể tính toán một mức giá mua điện có thể chấp nhận được để giúp nhà đầu tư có thêm chi phí bảo trì, rửa tấm quang năng. Tránh trường hợp đã đầu tư nhưng khi không dùng hết lại không phát lên lưới cũng lãng phí", ông Bình nói.

Ông Bình còn chia sẻ thêm bên cạnh các doanh nghiệp có tiềm lực tự lắp đặt điện mặt trời, hiện cũng có rất nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp cho thuê mái để các nhà đầu tư vào lắp điện mặt trời trên mái với mong muốn bán điện cho chính nhà máy bên dưới với giá rẻ hơn của EVN khoảng 15%.

Điều này giúp các doanh nghiệp vẫn dùng điện tái tạo, có tín chỉ xanh nhưng lại không mất tiền đầu tư và đây là lĩnh vực đang hút vốn đầu tư. Vì vậy, căn cứ theo dự thảo nghị định quy định "không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác" sẽ đặt ra trường hợp các doanh nghiệp năng lượng không thể lắp điện mặt trời và bán cho nhà máy bên dưới.

"Về bản chất vẫn là lắp điện trên mái của nhà máy và dùng điện bên dưới nhà máy, không phát điện lên lưới. Tuy nhiên, nếu cấm không cho nhà đầu tư vào lắp điện mặt trời sẽ khiến các nhà máy thiếu tiềm lực tài chính khó khăn trong việc lắp điện mặt trời, do đó cần cân nhắc tác động của vấn đề này" - ông Bình nói và đề xuất cần quy định không được đầu tư điện mặt trời trên nhà máy này nhưng lại bán cho các nhà máy khác, thay vào đó vấn đề này nên quy định rõ khi ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Điện mặt trời áp mái là để tự sản tự tiêu

Trao đổi với Tuổi Trẻ xoay quanh vấn đề trên, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng theo Quy hoạch điện 8, nguồn điện mặt trời mái nhà có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 chỉ giới hạn công suất là 2.600 MW. Vì vậy, việc phát triển tăng thêm nguồn điện mặt trời nối lưới nếu không có sự quản lý sẽ gây tác động lớn đến vận hành an toàn hệ thống, cơ cấu nguồn điện.

Việc quy định hệ thống điện mặt trời mái nhà được phát lên lưới nhưng không ghi nhận sản lượng điện và không được thanh toán nhằm để kiểm soát hệ thống nguồn điện mặt trời áp mái được lắp đặt, tránh tình trạng "bùng nổ" như thời gian qua, ảnh hưởng đến hệ thống điện và an ninh năng lượng.

Cũng theo vị này, chính sách mới đưa ra cũng không thể duy trì cơ chế bù trừ (tức là sản lượng điện phát lên lưới sẽ được bù trừ khi mua điện từ hệ thống điện quốc gia), do không phù hợp với các quy định về thuế vì từng bị Bộ Tài chính "tuýt còi" nên không thể áp dụng. Vì vậy, trong chính sách hiện nay là nguồn điện mặt trời áp mái sẽ ưu tiên phục vụ tự dùng, không phát lên lưới và không bán điện.

Đối với trường hợp hệ thống điện áp mái có nhu cầu lắp đặt và bán cho các tổ chức, cá nhân, có thể áp dụng cơ chế khác đang được xây dựng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, nhưng cũng sẽ giới hạn công suất.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020