Chuyên mục  


Lễ ký văn kiện dự án. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Chiều 26/11, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức trực tuyến lễ ký kết Văn kiện dự án "Hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng số liệu thống kê chính thức giữa Tổng cục Thống kê Việt Nam và Cơ quan Thống kê Đan Mạch" với sự chứng kiến của ngài Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.

Dự án nhằm giúp Việt Nam cung cấp số liệu thống kê chính thức đầy đủ, đáng tin cậy, dựa trên các tiêu chuẩn và xu hướng quốc tế.

Đầu cầu tại Việt Nam có Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương; đầu cầu phía Đan Mạch có Tổng cục trưởng, Cơ quan Thống kê Đan Mạch, bà Birgitte Anker tham dự.

Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu của một dự án hợp tác kéo dài 30 tháng giữa Chính phủ hai nước Việt Nam-Đan Mạch về số liệu thống kê chính thức với trọng tâm là sử dụng dữ liệu hành chính để sản xuất số liệu thống kê dân số, di cư và giáo dục, khai thác các cơ hội sử dụng dữ liệu lớn trong sản xuất số liệu thống kê cũng như biên soạn hệ thống tài khoản kinh tế-môi trường đầu tiên cho Việt Nam.

Dự án sẽ được Cơ quan Thống kê Đan Mạch và Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện với khoản tài trợ 6,5 triệu DKK (khoảng 1 triệu USD) do Đan Mạch cung cấp.

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam, cho biết sử dụng dữ liệu hành chính và dữ liệu lớn hiện đang là xu hướng được các hệ thống thống kê quốc gia trên thế giới sử dụng nhằm tận dụng tối đa nguồn dữ liệu từ các bộ, ngành và các đối tượng sở hữu dữ liệu khác, đảm bảo cung cấp thông tin thống kê kịp thời, có chất lượng, được phân tổ chi tiết cho Chính phủ, doanh nghiệp, các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.

[Thống kê Việt Nam kết nối thế giới bằng dữ liệu đáng tin cậy]

"Tổng cục Thống kê cam kết sẽ phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành tại Việt Nam và Cơ quan Thống kê Đan Mạch để thực hiện thành công dự án, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng số liệu thống kê chính thức, phát triển bền vững trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Thống kê Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045," bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Dự án sẽ khởi động một quá trình hợp tác dài hạn mà Tổng cục Thống kê Việt Nam và các đối tác sẽ cùng thiết lập và xây dựng các phương thức sản xuất số liệu thống kê và trình bày dữ liệu mới.

Các chuyên gia từ Đan Mạch sẽ cung cấp đầu vào trực tiếp cho quá trình này và sẽ chia sẻ các kinh nghiệm hay trong thu thập, xử lý, sử dụng số liệu thống kê, trao đổi về sự tham gia, phối hợp của các cơ quan hữu quan và các đơn vị cung cấp thông tin.

Tại lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch, ngài Kim Højlund Christensen cho biết hiểu được các biến động về dân số và di cư là rất quan trọng đối với bất kỳ xã hội nào và ở Việt Nam. Khó khăn gặp phải khi sản xuất số liệu thống kê trong những lĩnh vực này là do không có đủ, thậm chí là thiếu dữ liệu.

“Thỏa thuận chúng ta ký kết hôm nay là một công cụ rất quan trọng để Việt Nam và Đan Mạch khởi đầu mối quan hệ hợp tác tốt đẹp nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng số liệu thống kê chính thức của Việt Nam. Cơ quan Thống kê Đan Mạch sẽ hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành liên quan tại Việt Nam để trao đổi, chia sẻ về chuyên môn, kinh nghiệm và kiến thức mà Đan Mạch đã có sau nhiều năm nghiên cứu và thực hiện trong lĩnh vực này, bao gồm sử dụng dữ liệu lớn như một nguồn dữ liệu mới," ngài Kim Højlund Christensen cho biết.

Bà Birgitte Anker, Tổng cục trưởng Cơ quan Thống kê Đan Mạch cho biết mong muốn sẽ hợp tác hiệu quả với Tổng cục Thống kê Việt Nam. Cơ quan Thống kê Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng các nguồn dữ liệu hành chính để sản xuất số liệu thống kê.

Ngoài ra, cơ quan này đã có nhiều năm khai thác các cơ hội sử dụng dữ liệu lớn trong sản xuất số liệu thống kê chính thức và thử nghiệm. Bên cạnh đó, Hệ thống Tài khoản Kinh tế-Môi trường hiện đang là mối quan tâm toàn cầu.

“Chúng tôi hy vọng mối quan hệ hợp tác này sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn về xã hội Việt Nam, làm cơ sở cho quá trình ra quyết định dựa trên bằng chứng và giám sát các chương trình nghị sự quốc tế như Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)", bà Birgitte Anker nói.

Từ năm 2015, Việt Nam và Đan Mạch đã ký kết các chương trình hợp tác chiến lược (SSC) trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm và gần đây là thống kê nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và có trách nhiệm, việc làm và thịnh vượng tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ các chương trình hợp tác chiến lược, các cơ quan của Chính phủ Đan Mạch đã thiết lập quan hệ đối tác với các bộ, ngành đối tác Việt Nam để hỗ trợ các bộ, ngành của Việt Nam về chuyên môn và tạo điều kiện chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm của Đan Mạch liên quan đến các vấn đề ưu tiên, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của địa phương./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020