Vẫn chưa chốt quy mô
Chính phủ đang chuẩn bị nội dung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến kéo dài trong 2 năm 2022-2023. Dự kiến, đây sẽ là chương trình hỗ trợ có quy mô rất lớn và độ bao phủ rộng với kỳ vọng tạo đà tăng trưởng GDP, vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Một số thông tin cho rằng, gói hỗ trợ có thể lên tới 800.000 tỷ đồng (tương đương gần 10% GDP). Tuy nhiên, theo những nguồn tin khác, thì con số đang được tính toán thấp hơn, khoảng 2-3% GDP.
Nhấn mạnh việc cần "bơm", nhưng bơm thế nào để không tạo hệ lụy cần được tính toán hết sức thận trọng, theo ý kiến chuyên gia (Ảnh: Mạnh Quân).
Có nên bơm tiền, việc bơm tiền cần như thế nào, bao nhiêu là đủ, làm sao để hiệu quả và tránh hệ lụy được giới chuyên gia quan tâm.
Nói với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - nhấn mạnh, việc thực hiện các gói kích cầu nền kinh tế cần thiết song liều lượng bao nhiêu thì thực tế lại có rất nhiều quan điểm khác nhau.
Theo ông, việc thiết kế gói cứu trợ này phải dựa trên thực tế của Việt Nam, không nên cho rằng các quốc gia khác chi bao nhiêu phần trăm GDP thì Việt Nam cũng phải chi bấy nhiêu. "Con số của các quốc gia khác là con số tham chiếu quan trọng nhưng không thể là cơ sở hay là sức ép để quyết định quy mô gói phục hồi kích cầu kinh tế của Việt Nam", ông Bình nói.
Nhấn mạnh việc cần bơm, nhưng bơm thế nào để không tạo hệ lụy cần được tính toán hết sức thận trọng, ông Lê Duy Bình còn băn khoăn bởi nhiều dư địa nào chúng ta vẫn còn chưa sử dụng hết. Vậy khả năng hấp thụ các gói kích cầu sẽ ra sao để đảm bảo hiệu quả.
Một chuyên gia khác thì cho biết, nếu Chính phủ cố ép lãi suất, tăng bơm tiền ra nền kinh tế, tiền chưa chắc đến được khu vực sản xuất kinh doanh mà nhiều khả năng sẽ chảy sang các kênh tài sản, kích thích đầu cơ.
Bên cạnh đó, nền kinh tế sau 2 năm dịch bệnh khiến doanh nghiệp như vừa trải qua cơn ốm, liệu có đủ sức để hấp thụ một lượng vốn lớn tung ra, hay ngược lại càng bơm tiền mạnh, bong bóng tài sản càng phình to? Bài học giai đoạn trước đã có.
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng - cho hay, việc hỗ trợ là cần thiết nhưng theo hình thức nào thì cũng nên được bàn luận kỹ. Có ý kiến cho rằng có thể chi mạnh tay, chấp nhận bội chi, phát tiền cho người dân để tăng cầu… Tuy nhiên tất cả những vấn đề đó cần được xem xét trong mối các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nói đến quy mô độ lớn gói hỗ trợ, ông Kiên cho biết, đến nay vẫn chưa chốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với một số bộ ngành Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… dự kiến kinh phí, phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
"Xác định gói kích thích kinh tế trong điều kiện đặc biệt thì cần có những quyết sách đặc biệt. Tuy nhiên, đây là việc rất lớn, tác động sâu rộng, kéo dài. Do vậy tôi cho rằng các chính sách đưa ra cần thận trọng, đồng ý là quyết liệt nhưng không làm bằng mọi giá", ông Kiên nhấn mạnh.
Thêm nữa theo ông Kiên, sẽ đưa tiền vào nền kinh tế bằng cách nào. Nền kinh tế có hấp thụ được không, doanh nghiệp có hấp thụ được không, rồi ai chịu trách nhiệm khi gói hỗ trợ không hiệu quả. Nếu không thu hồi được thì thành nợ xấu. Đó là những vấn đề cần đặt ra. Gói kích cầu giai đoạn 2009 đã để lại nhiều bài học.
Lưu ý gì?
Trong một hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu thẳng thắn đứng lên nêu quan điểm, phải chi mạnh tay để cứu nền kinh tế. Không chi, theo vị này, là có tội với doanh nghiệp, có tội với đất nước.
Đề cập đến yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế là dư địa chính sách, vị chuyên gia cho biết hiện nay có nhiều điều kiện đã tốt hơn nhiều so với đợt khủng khoảng hơn 10 năm trước như lạm phát thấp, cán cân đối ngoại tốt, dự trữ ngoại tệ cao…
Tuy nhiên, một số người lại đang lo ngại năng lực tài chính quốc gia liệu còn đủ dư địa cho quy mô lớn không. Bởi thực tế ngân sách đã rất tiêu tốn trong 2 năm qua để thực hiện chiến lược "Zero Covid". Phục hồi phải đi kèm với ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho biết, nếu nhìn vào con số nợ công của năm 2021 và chuẩn bị cho năm 2022, dư nợ công khoảng 44% GDP - chúng ta nhìn thì thấy tương đối thấp. Tuy nhiên, vào cuối năm, chúng ta điều chỉnh GDP tăng hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng 25%). Như vậy, mẫu số tăng lên, số dư nợ tuyệt đối không giảm, mức độ tăng nợ vẫn còn nên "tỷ số nhìn có vẻ thấp nhưng cần hết sức quan tâm".
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết đến năm nay, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ 25%, tức là cứ 4 đồng chi tiêu thì có 1 đồng chi cho trả nợ. Ông Toàn cho biết nội dung này cần hết sức lưu tâm trong an ninh tài chính quốc gia.
Theo ông, nước ta nợ công tăng đều và liên tục qua các năm. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ bình quân là 18,1%/năm. Nhận thức được điều đó, đến giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính cũng như các cân đối vĩ mô. Do vậy tốc độ tăng bình quân vừa qua được rút xuống còn trên 6,54%.
"Trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay cũng xác định tăng 11%, nếu tăng trần nợ công lên 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ", ông Toàn nhấn mạnh và cũng đề nghị hết sức thận trọng đối với vấn đề này.
Nhấn mạnh việc nhất trí cần có chương trình phục hồi kinh tế, song ông cho rằng cần tính toán dư địa tài chính, dư địa chính sách tiền tệ một cách có cân nhắc để tránh rủi ro cho phát triển bền vững nền kinh tế về sau.
Một chuyên gia khác cũng cho biết thêm, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay rất hạn hẹp để tung ra một gói hỗ trợ có quy mô quá lớn. Cụ thể, về dư địa tiền tệ, dù lạm phát 10 tháng qua ở mức thấp (chỉ tăng 1,81%) song nguy cơ lạm phát cao trong thời gian tới là rất rõ ràng. Lạm phát tăng sẽ khiến lãi suất tăng theo.
Ông Nguyễn Đức Kiên ví lạm phát như "bóng đen", như nỗi ám ảnh vô cùng lớn đối với nền kinh tế. "Áp lực lạm phát năm sau sẽ rất lớn. Nó phụ thuộc vào cách chúng ta bơm tiền vào nền kinh tế như thế nào", ông Kiên nhấn mạnh.
"Từ giờ đến cuối tháng 12, tôi hy vọng chúng ta có thể đưa ra được một chương trình hành động cụ thể, quy mô bao tiền, nguồn huy động, tác động tới nền kinh tế ra sao, phân bổ như nào, bao năm sau thu hồi… Rất nhiều thứ, đâu chỉ cứ nói bơm tiền ra, bơm bao nhiêu là xong?", ông Kiên chia sẻ.
Nguyễn Mạnh