Công ty Xuyên Việt Oil có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo thông tin từ Bộ Công an, ngày 21-12, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương, về tội "nhận hối lộ".
Ông Hải bị bắt trong quá trình cơ quan công an điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Nữ đại gia từng mang 98% cổ phần tại Xuyên Việt Oil đi thế chấp
Theo dữ liệu từ hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil được thành lập từ năm 2005, trụ sở tại TP.HCM và có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng.
Sau nhiều lần thay đổi về đăng ký doanh nghiệp, thông tin mới nhất thể hiện Công ty Xuyên Việt Oil gồm hai nữ cổ đông góp vốn.
Trong đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979) - giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty - góp 2.940 tỉ đồng, tương ứng 98% vốn.
Còn bà Mai Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1992) - phó giám đốc - nắm 2%, tương ứng 60 tỉ đồng.
Cả bà Mai Thị Hồng Hạnh và bà Mai Thị Ngọc Trinh đều đã bị bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" hồi tháng 9 vừa qua.
Theo tra cứu của Tuổi Trẻ Online, khoảng 1 năm trước khi bị bắt, bà Mai Thị Hồng Hạnh từng dùng giấy chứng nhận phần vốn góp (98% vốn) của mình tại Xuyên Việt Oil đem thế chấp tại SHB cho hợp đồng vay phát sinh vào tháng 9-2022.
Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương - Ảnh: BỘ CA
Về Xuyên Việt Oil, doanh nghiệp này được cấp phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu hai lần vào năm 2016 và 2021.
Khoảng thời gian này, dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp thể hiện Xuyên Việt Oil liên tục tăng quy mô vốn điều lệ. Từ mức 50 tỉ đồng năm 2016 đã tăng lên 3.000 tỉ đồng hồi tháng 8-2022.
Trong đó lần thay đổi vào tháng 5-2021, Xuyên Việt Oil tăng từ 1.100 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng. Bà Hạnh góp 1.600 tỉ đồng, tương đương 80% vốn, còn lại từ bà Mai Thị Ngọc Trinh.
Chỉ 7 tháng sau, công ty xăng dầu này lại tiếp tục tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng, cơ cấu sở hữu không thay đổi. Đến tháng 8-2022, vốn công ty 3.000 tỉ đồng nhưng thay bà Hạnh tăng tỉ lệ sở hữu lên 98%.
Nói với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết theo quy định, cổ phần là tài sản trong các giao dịch bảo đảm.
Theo đó, cổ đông được phép thế chấp cổ phần để vay tiền. Song theo vị này, rủi ro khá lớn với bên cầm cố, nhận thế chấp cho vay vốn bằng cổ phần. Đặc biệt nếu khoản vay chưa tất toán, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý, cổ phần lại của doanh nghiệp chưa niêm yết.
Ngoài ra còn thế chấp nhiều khoản vay khác
Ngoài thế chấp cổ phần tại Xuyên Việt Oil, cũng trong tháng 9-2022, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã dùng phần vốn góp tại Công ty TNHH Thành Phong với tỉ lệ sở hữu 96,7% đem thế chấp tại ngân hàng để vay vốn.
Công ty TNHH Thành Phong được thành lập từ năm 2001, có trụ sở chính tại Đà Lạt, Lâm Đồng do bà Mai Thị Hồng Hạnh làm người đại diện pháp luật.
Trước đó, vào tháng 8-2022, nữ đại gia xăng dầu đã từng cầm cố chiếc ô tô mang thương hiệu Lexus biển kiểm soát 51F–216.70 để đảm bảo cho một khoản vay tại VietinBank chi nhánh 4 TP.HCM.
Ngoài các khoản vay của cá nhân lãnh đạo, vài năm gần đây Công ty Xuyên Việt Oil từng phát sinh nhiều hợp đồng tín dụng với giá trị khoản vay khác nhau tại các ngân hàng như BIDV, VietinBank và SHB.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh cũng như tổng tài sản của Xuyên Việt Oil ghi nhận nhiều biến động trồi sụt trong nhiều năm trở lại đây. Ghi nhận từ năm 2017 đến 2022, năm nào Xuyên Việt Oil cũng báo lỗ dù doanh thu rất lớn.
Đến tháng 8-2023, công ty này đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu sau khi lập đoàn kiểm tra đột xuất với một số doanh nghiệp.
Liên quan vụ án này, ông Lê Duy Minh, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (nguyên cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) và ông Lê Đức Thọ (cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) cũng đã bị bắt tạm giam.