Bộ trưởng Tài nguyên và Dầu mỏ Diamantino Azevedo hôm nay cho biết sau khi cân nhắc, Angola nhận thấy tư cách thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không còn phục vụ lợi ích của quốc gia châu Phi này.
"Chúng tôi cảm thấy tại thời điểm hiện tại, Angola chẳng thu được gì khi ở lại tổ chức và để bảo vệ lợi ích của mình, chúng tôi quyết định rời đi", tuyên bố của văn phòng Tổng thống Angola dẫn lời ông Azevedo.
Văn phòng Tổng thống Angola cho biết quyết định rời OPEC được đưa ra tại cuộc họp nội các do Tổng thống Joao Lourenco chủ trì tại thủ đô Luanda. Sau cuộc họp, ông Lourenco đã ký sắc lệnh cho phép Angola rời nhóm.
Giàn khoan dầu Kaombo Norte ngoài khơi Angola hồi tháng 11/2018. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Azevedo nói với truyền hình nhà nước TPA rằng Angola không hài lòng với quyết định tháng trước của OPEC về cắt giảm thêm sản lượng năm tới nhằm ổn định giá dầu vốn trải qua nhiều biến động.
"Chúng tôi nghĩ đã đến lúc đất nước mình cần tập trung hơn vào các mục tiêu riêng. Nếu chúng tôi vẫn trong OPEC, Angola sẽ buộc phải cắt giảm sâu sản lượng và điều này đi ngược chính sách tránh cắt giảm và tôn trọng các hợp đồng", ông Azevedo nói.
Angola là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất ở vùng cận Sahara của châu Phi, cùng với Nigeria. Cả hai nước đều bày tỏ không hài lòng với hạn ngạch sản xuất tại cuộc họp cấp bộ trưởng của tổ chức OPEC hồi tháng 11, khi họ đang tìm cách đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo nguồn cung ngoại tệ.
Cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC đã phải hoãn vài ngày vì bất đồng quan điểm giữa các thành viên.
"Khi chúng tôi ở trong một tổ chức nhưng những đóng góp, ý kiến của chúng tôi không có tác dụng gì, điều tốt nhất là rút lui", ông Azevedo cho hay.
Angola, nước gia nhập OPEC năm 2007, sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi tổng sản lượng toàn nhóm là 28 triệu thùng. Xuất khẩu dầu là huyết mạch kinh tế của Angola, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Giá dầu thô đã giảm gần 2%, khi giới phân tích cho rằng quyết định rời OPEC của Angola đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết của tổ chức này.
OPEC chưa bình luận về quyết định của Angola. Được thành lập năm 1960, tổ chức gồm 13 thành viên năm 2006 đã hợp tác với 10 nhà sản xuất khác để thành lập OPEC+. Trước Angola, hai thành viên khác rời OPEC trong thập kỷ qua là Ecuador và Qatar.
Thanh Tâm (Theo Reuters, AFP)