Bất chấp thu nhập người dân bị tác động vì đại dịch, ngành bảo hiểm trong quý II và III năm nay vẫn có kết quả kinh doanh ổn định.
Thậm chí, với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, bancassurance còn trở thành kênh bán hàng đóng vai trò quan trọng với nhiều thương vụ lớn liên tiếp. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành này vẫn khá phân hóa.
Các sản phẩm bảo hiểm cá nhân, vốn được coi là lĩnh vực đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp bảo hiểm, trong quý III tăng trưởng chậm lại. Các sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa vươn lên dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành, được cho là nhờ hưởng lợi gián tiếp từ những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…
Phần lớn sản phẩm bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng hiện nay là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (Ảnh: Mạnh Quân).
Trái chiều lợi nhuận
Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH), công bố kết quả kinh doanh quý III năm nay với lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm đạt 292,5 tỷ đồng. Mức này tương đối khả quan trong bối cảnh quý III/2020, chỉ số này của Bảo Việt là lỗ 46,4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt là 627,2 tỷ đồng, tăng trưởng khá tốt so với âm 147,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Tăng trưởng phí bảo hiểm gốc của Bảo Việt giảm tốc do tác động của dịch Covid-19. Dù vậy, doanh thu vẫn ở mức cao với phí bảo hiểm gốc trong quý đạt 9.279 tỷ đồng (có giảm 4,1% so với cùng kỳ). Trong đó phí bảo hiểm nhân thọ đạt 7.362 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ và phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 1.916 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ.
CTCP Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán: MIG) ghi nhận mức tăng doanh thu từ phí bảo hiểm không quá nổi bật nhưng tăng trưởng lợi nhuận lại ở mức "khủng". Cụ thể, theo báo cáo, doanh thu từ phí bảo hiểm và lợi nhuận sau thuế của đơn vị trong quý III năm nay lần lượt là 723,1 tỷ đồng, tăng 6,64% cùng kỳ và 32,6 tỷ đồng, tăng 85,7% cùng kỳ.
Tổng CTCP Bảo Minh (mã chứng khoán: BMI) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm nay với doanh thu từ phí bảo hiểm là hơn 994 tỷ đồng, giảm 10,1% so với hơn 1.105 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 52,2 tỷ đồng, giảm 22,4% so với quý III/2020.
Ngược lại, CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (mã chứng khoán: VNR) báo cáo tổng doanh thu phí bảo hiểm trong quý III năm nay là 584,7 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2020. Tuy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 94,5 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ 2020. Lý do là trong quý, doanh nghiệp tăng thu từ các gói bán buôn nhưng lại giảm thu từ các gói bảo hiểm cá nhân.
Nhìn chung, do dịch bệnh căng thẳng phải giãn cách xã hội khiến người dân ít ra ngoài, giảm thiểu rủi ro xảy ra tai nạn, tỷ lệ bồi thường thấp đã bù đắp lợi nhuận dù doanh thu từ phí bảo hiểm giảm. Theo giới chuyên gia, việc này sẽ tác động tích cực đến những doanh nghiệp có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nửa đầu năm nay, hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành bảo hiểm là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, với tổng tỷ trọng doanh thu 57,9%. Cả hai đều ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm, lần lượt tăng 6,2% và 1,6% so với cùng kỳ.
Ngược lại, các sản phẩm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm cháy nổ đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, lần lượt tăng 17,7%, 22,3%, 16,44%, đều là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại. Sự thay đổi tỷ trọng sản phẩm chính là yếu tố ảnh hưởng lợi nhuận các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, lãi suất tiền gửi trên thị trường đồng loạt giảm cũng làm cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm giảm theo. Do tính chất ngành có nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian dài khá lớn, lợi nhuận chính của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ việc đầu tư tài chính có mức rủi ro thấp (lãi tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn nhất thường khoảng 60%, lãi từ đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu; còn lại là cổ tức được chia, chênh lệch tỷ giá hoặc đầu tư kinh doanh chứng khoán)
Trong điều kiện lãi suất đang duy trì ở mức thấp, tài sản đầu tư quản lý bởi doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại do hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn, lợi suất đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chứng kiến mức giảm đồng loạt. Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt giảm 68,8% lợi nhuận từ đầu tư tài chính (từ 5.849 tỷ đồng quý III/2020 xuống còn 1.824 tỷ đồng quý III năm nay), CTCP Bảo Minh giảm 11,22%, CTCP Bảo hiểm Quân đội giảm 10%…
Tương lai và thách thức
Bancassurance là mối quan hệ liên kết giữa công ty bảo hiểm với hệ thống ngân hàng, trong đó ngân hàng tận dụng hệ thống phân phối và mạng lưới khách hàng của mình nhằm mục đích cung cấp bảo hiểm và lợi ích bảo hiểm cho khách.
Phần lớn sản phẩm bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng hiện nay là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Riêng trong năm 2020, mức doanh thu cải thiện từ mảng này chiếm đến 31% tổng doanh thu phí, tăng gấp 5 lần trong vòng 6 năm, số liệu từ báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt.
Tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tỷ lệ thâm nhập của kênh bancassurance không quá cao, chỉ ở mức 29% tổng phí toàn thị trường tính riêng trong 6 tháng 2020.
Liên tiếp nhiều thương vụ bancassurance của "ông lớn" ngân hàng cùng với doanh nghiệp bảo hiểm diễn ra trong vòng 3 năm trở lại đây cũng là dấu hiệu dự báo sức tăng trưởng và phủ rộng mạnh mẽ của kênh phân phối này. Điển hình là Vietcombank và FWD ký kết hợp tác độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm (tháng 11/2019), ACB và Sun Life hợp đồng phân phối độc quyền 15 năm (tháng 11/2020), Manulife và VietinBank ký kết 16 năm (tháng 12/2020), hợp đồng 15 năm Prudential và MSB (tháng 3 vừa qua)…
Hơn nữa, từ khi đại dịch bùng phát, doanh thu bán bảo hiểm từ kênh digital tăng mạnh nhất với 69,2%. Bancassurance ghi nhận doanh thu tăng trưởng 66,7%. Trong khi đó, doanh thu từ kênh agency (kênh truyền thống ở các đại lý bảo hiểm) bị chững lại tại 46,7%, theo số liệu báo cáo Chứng khoán Bảo Việt. Điều này cho thấy, so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, doanh thu từ kênh bancassurance hiện nay đã xấp xỉ doanh thu từ kênh agency.
Theo nhận định của chuyên gia, ngành bảo hiểm đang trong cuộc chiến giành thị phần rất gay gắt giữa các công ty bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ. Xu hướng của các doanh nghiệp trong top đầu đang là tăng trưởng chậm lại để tập trung nhiều hơn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh, khiến thị phần liên tục bị chia sẻ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành. Bên cạnh đó, đối thủ là các công ty bảo hiểm nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm nhân thọ trong nước.
Thu nhập của người dân giảm sút cũng là thách thức lớn cho hoạt động khai thác bảo hiểm. Trong khảo sát mới nhất do Vietnam Report thực hiện về triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm, thách thức có sự gia tăng nhiều nhất đe dọa đến ngành bảo hiểm là sự giảm sút trong thu nhập của khách hàng (70,6% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với thách thức này, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước).
Điều này là hoàn toàn có cơ sở, khi đối chiếu với số liệu từ Tổng cục Thống kê, có khoảng 22,2 triệu người lao động bị giảm thu nhập do tác động của Covid-19 trong năm 2020. Xét riêng quý I/2021, con số này lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ ⅓ tổng số người bị ảnh hưởng trong cả năm 2020).
Diệu Mai