Chuyên mục  


Đây là cuộc đình công quy mô lớn đầu tiên tại Volkswagen - hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Đức, kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, cuộc đình công này là "cảnh báo" (warning strike), thường kéo dài vài giờ đến một ngày. Tình hình có thể leo thang thành đình công dài hạn, nếu Volkswagen không rút lại kế hoạch cắt giảm chi phí.

Diễn biến này cho thấy căng thẳng giữa hãng xe hàng đầu châu Âu và người lao động đang lên cao. Mâu thuẫn càng tăng sau khi hãng công bố cắt giảm chi phí hồi cuối tháng 10.

Theo đó, Volkswagen đề xuất giảm 10% lương, sa thải hàng chục nghìn nhân viên, đóng cửa ít nhất ba nhà máy tại Đức và giảm quy mô các nhà máy còn lại. Hãng này đang phải đối mặt với áp lực lớn từ chi phí năng lượng và lao động cao, cạnh tranh gay gắt từ châu Á, nhu cầu suy yếu ở châu Âu và Trung Quốc, cùng quá trình chuyển đổi sang xe điện chậm chạp.

Công nhân Volkswagen biểu tình tại Wolfsburg (Đức) ngày 21/11. Ảnh: Reuters

Ngày 22/11, đại diện người lao động tại Volkswagen đã bỏ phiếu thông qua đình công tại các nhà máy ở Đức từ đầu tháng 12. Trước đó, các cuộc đàm phán về lương và kế hoạch đóng cửa nhà máy đều không có đột phá.

"Nếu cần thiết, đây sẽ là cuộc chiến đàm phán khốc liệt nhất mà Volkswagen phải đối mặt", Thorsten Groeger - người đàm phán tại công đoàn IG Metall cho biết trong thông báo.

Đại diện hãng xe thì khẳng định đối thoại mang tính xây dựng để tìm giải pháp bền vững. "Volkswagen tôn trọng quyền của người lao động khi lựa chọn đình công", người phát ngôn của hãng cho biết, nhấn mạnh rằng họ đã chuẩn bị trước để đảm bảo cung cấp tối thiểu cho khách hàng và giảm tối đa tác động của vụ đình công.

Tuần trước, công đoàn đề xuất các biện pháp họ cho rằng có thể giúp hãng xe tiết kiệm 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD). Trong đó có việc bỏ thưởng năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, hãng xe đã bác bỏ kế hoạch này.

Tình hình hiện tại càng làm tăng áp lực lên chính phủ Đức về kế hoạch phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Năm ngoái, họ là nền kinh tế lớn có diễn biến tệ nhất thế giới, khi GDP giảm 0,3%. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Covid-19, nước này tăng trưởng âm. Năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo GDP Đức co lại 0,1%.

Hà Thu (theo Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020