Chuyên mục  


Tổng thống Joe Biden ngày 17/11 quyết định gỡ rào, cho phép Ukraine dùng tên lửa đạn đạo ATACMS tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, đánh dấu thay đổi mạnh mẽ nhất trong chính sách của Washington đối với Kiev từ khi chiến sự bùng phát.

Chính quyền Biden trong tháng 11 cũng mở đường để nhà thầu quân sự tư nhân Mỹ tới Ukraine bảo dưỡng tiêm kích F-16, đồng thời duyệt kế hoạch chuyển mìn chống bộ binh cho Kiev để củng cố phòng tuyến.

"Tuy nhiên, các quyết định này được đưa ra quá muộn, không thể giúp Ukraine giành lợi thế trên chiến trường hay bàn đàm phán. Thay vào đó, chúng càng làm tình hình leo thang nghiêm trọng hơn, khiến Ukraine suy yếu và Mỹ đối mặt với nhiều điều tồi tệ", biên tập viên Daniel DePetris và Jennifer Kavanagh của chuyên trang quân sự Mỹ Defense News nêu quan điểm.

Hai biên tập viên cho rằng Nga ít có động lực để kiềm chế trước những gì mà họ coi là "thay đổi chính sách mạnh mẽ, gây hấn" từ Mỹ, nhất là khi Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm và Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn nhanh chóng chấm dứt chiến sự.

Tên lửa ATACMS rời bệ phóng trong thử nghiệm tại Mỹ tháng 12/2021. Ảnh: US Army

"Không nên ảo tưởng rằng tên lửa tầm xa hoặc mìn chống bộ binh là giải pháp toàn diện cho Ukraine. Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cũng thừa nhận gỡ rào tên lửa ATACMS cho Ukraine sẽ không thay đổi cục diện chiến sự", DePetris nói.

Nguyên nhân là Nga đã di dời khoảng 90% máy bay quân sự khỏi các căn cứ trong tầm bắn của ATACMS Ukraine, số lượng tên lửa Mỹ dành cho viện trợ không nhiều. Các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga cũng không thể tác động vào tuyến hậu cần và cản trở đà tiến của đối phương.

"Gỡ rào tên lửa ATACMS có nguy cơ đẩy nhanh thất bại quân sự của Ukraine, vì quyết định này khuyến khích Kiev dồn những nguồn lực vốn đã khan hiếm vào chiến dịch ở tỉnh Kursk, nơi họ đã mất tới một nửa khu vực kiểm soát được từ tháng 8", Kavanagh cho hay.

Mìn chống bộ binh có thể hỗ trợ Ukraine chuyển sang chiến lược phòng thủ. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã bị kéo rất căng và gần như không thể trụ vững trước các đợt tiến công của Nga, đồng thời chưa rõ số mìn này có kịp đến nơi với số lượng đủ để họ sử dụng hiệu quả hay không.

"Tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng của Ukraine, chứ không phải vũ khí, mới là rào cản nghiêm trọng nhất khiến họ không thể ngăn đà tiến của Nga ở vùng Donbass. Cử các nhà thầu Mỹ tới Ukraine cũng không mang lại nhiều lợi ích, chỉ giúp quá trình sửa chữa thiết bị diễn ra nhanh hơn một chút và không thể giải quyết nhu cầu binh sĩ trên tiền tuyến", hai biên tập viên Mỹ nói.

Tầm bắn của tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga. Đồ họa: CNN

Các chuyên gia cho rằng những quyết định do chính quyền Tổng thống Biden đưa ra gần đây không những không mang lại lợi ích cho Ukraine, mà còn "gây hại cho nước này" khi ảnh hưởng tới tính toán của Nga.

"Nga nhân cơ hội này để đẩy mạnh cường độ không kích trả đũa vào các đô thị Ukraine, thậm chí buộc Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Kiev trong thời gian ngắn. Không phải ngẫu nhiên mà Nga tập kích mục tiêu tại thành phố Dnipro bằng tên lửa đạn đạo Oreshnik chỉ vài ngày sau khi Ukraine phóng ATACMS qua biên giới", DePetris nêu quan điểm.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 28/11 tuyên bố rằng Nga đang lựa chọn mục tiêu ở Ukraine và có thể dùng tên lửa Oreshnik tấn công "các trung tâm ra quyết định" tại thủ đô Kiev, bên cạnh những cơ sở quân sự và công nghiệp quốc phòng.

"Điều này khiến ngành công nghiệp và kinh tế Ukraine đối mặt nhiều nguy cơ hơn, cũng như đặt họ vào vị thế tồi tệ hơn nhiều trước khi bắt đầu đàm phán hòa bình", Kavanagh nói.

Ukraine có thể dùng ATACMS tập kích cơ sở quân sự Nga ở xa tiền tuyến hơn, song vẫn không thể ngăn cản đối phương tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa vào các thành phố, hạ tầng năng lượng và đẩy mạnh tiến công trên chiến trường.

"Khi bị đưa vào thế khó, Nga sẽ không hạ nhiệt mà thậm chí còn hành động quyết liệt hơn. Đây là những gì xảy ra vào mùa thu năm 2022, khi đợt phản công chớp nhoáng của Ukraine tại tỉnh Kharkov khiến Nga ban hành lệnh động viên một phần để củng cố lực lượng", hai biên tập viên Mỹ cảnh báo.

Tên lửa ATACMS rời bệ phóng HIMARS của Ukraine trong ảnh công bố ngày 19/7. Ảnh: BQP Ukraine

Nga có thể không sử dụng vũ khí hạt nhân, song nhiều khả năng sẽ leo thang trên cả chiến trường Ukraine và hàng loạt khu vực khắp thế giới. Nguy cơ này tăng lên nghiêm trọng sau khi chính quyền Biden thay đổi chính sách, khiến Nga coi Mỹ và các đồng minh châu Âu là những bên tham gia trực tiếp vào xung đột.

Tình báo Mỹ từng coi đây là một trong những lý do không nên cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine. Một số bên lo ngại Nga có thể triển khai chiến dịch phá hoại hạ tầng quân sự và dân sự tại châu Âu để "thử thách ý chí, buộc họ trả giá thay cho Ukraine".

"Các nhà xây dựng chính sách của Mỹ nên lường trước khả năng Nga sẽ đẩy mạnh những hoạt động trên và không chỉ triển khai tại châu Âu. Moskva có thể thực hiện những bước gây tác động lâu dài đến Washington và khả năng bảo vệ đồng minh, trong đó có chia sẻ chuyên môn và cung cấp vũ khí tiên tiến cho các đối thủ của Mỹ", hai biên tập viên cho biết.

Giới chuyên gia cho rằng những thay đổi chính sách giờ chót của Tổng thống Biden tới quá muộn để thay đổi cục diện chiến trường, khiến Nga càng phớt lờ đề nghị giải quyết xung đột thông qua biện pháp ngoại giao, sẵn sàng trả đũa cả trên chiến trường lẫn bên ngoài Ukraine.

"Không quyết sách nào không phải trả giá, quyết định gỡ rào vũ khí cho Ukraine cũng vậy và có thể khiến hậu quả xung đột Nga - Ukraine trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều", DePetris và Kavanagh cảnh báo.

Nguyễn Tiến (Theo Defense News, AP, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020