Người Rục - tộc người còn nhiều bí ẩn
Người Rục được biết đến là 1 trong 10 tộc người bí ẩn nhất thế giới. Năm 1959, tổ tuần tra thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tình cờ phát hiện tộc người sống trong hang đá giữa rừng sâu heo hút, dường như không có mối liên hệ với thế giới bên ngoài.
Sau thời gian dài vận động, 11 hộ với 34 người Rục đầu tiên rời hang đá về thung lũng Rục Làn, thuộc địa bàn xã biên giới Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) dựng lều và bắt đầu làm quen với làm rẫy, trỉa đậu, trồng ngô... Từ đây, tộc người Rục được biết đến như là "người em út" trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hiện có 78 hộ với 318 khẩu đồng bào Rục quần tụ tại bản Mò O Ồ Ồ.
Theo những già làng người Rục, ngày xưa họ thường ở hang lèn, dưới những vòm, mái đá lèn hoặc làm trại dưới chân núi, nơi có nước rục (nước trong núi đá vôi hoặc trong lòng đất chảy ra). Đó cũng là một phần nguyên nhân mà các tộc người khác gán cho họ cái tên "Rục".
Tộc người Rục được các nhà khoa học ghép vào nhóm người Chứt bởi có những nét tương đồng về nhân chủng, ngôn ngữ... Nhưng đời sống của họ vẫn ẩn chứa những bản sắc riêng.
Đã hơn 65 năm từ ngày rời hang đá hiện có 78 hộ với 318 khẩu đồng bào Rục quần tụ tại bản Mò O Ồ Ồ. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các đơn vị đóng trên địa bàn, đồng bào Rục dần bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Tuy vậy vẫn có một số bộ phận cư dân có tư tưởng ỉ lại, thường xuyên uống rượu, không chịu lao động, không quan tâm đến việc học hành của con em.
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Anh Cao Xuân Long (SN 1996), Trưởng bản Mò O Ồ Ồ là thế hệ thứ 3 của người Rục về bản định cư. Anh luôn trăn trở với việc một số dân bản có cuộc sống rất khó khăn do không chí thú làm ăn, suốt ngày tụ tập rượu chè, chưa chịu tiếp thu kiến thức để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chiến sĩ biên phòng vận động, theo dõi quá trình bỏ rượu của dân bản.
Để dẫn dắt dân bản thoát đói nghèo, Cao Xuân Long cùng với Bộ đội Biên phòng, chính quyền hướng dẫn dân bản trồng lúa nước để chủ động lương thực, bỏ lệ thuộc vào rừng. Chỉ cho bà con phương thức chăn nuôi hợp lý, tránh tình trạng chăn nuôi thả rông, không hợp vệ sinh... Cùng với đó xây dựng hương ước để dần đẩy lùi vấn nạn "ma men" ở bản.
Nhiều năm về trước, người dân bản Mò O Ồ Ồ quen với hình ảnh ông Hoàng Trọng Vinh say sưa và chửi bới suốt ngày. Việc làm đầu tiên mỗi buổi sáng của ông Vinh là đi tìm rượu để uống. Vì "con ma men" mà sức khỏe ông Vinh sa sút, bỏ bê nương rẫy, gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận thấy vấn nạn say xỉn làm cái đói, cái nghèo của đồng bào vùng dân tộc thiểu số thêm phần dai dẳng. Chi bộ bản Mò O Ô Ồ xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đưa nội dung đảng viên bỏ rượu bia và tuyên truyền dân bản bỏ rượu bia vào Nghị quyết để dần dần đuổi "con ma men" ra khỏi bản.
Bản Mò O Ồ Ồ lập ra hương ước về việc bỏ rượu.
Cùng với già làng, trường bản, lực lượng biên phòng, cán bộ địa phương cũng chung tay vào việc vận động dân bản không sa đà vào rượu. Với những người nghiện rượu nặng, việc bỏ ngay là rất khó. Đó là hành trình dài vận động, theo dõi để những người này dần thay đổi.
Không chỉ tuyên truyền, vận động suông mà khi người dân bỏ rượu rồi, Bộ đội còn giúp xây dựng các mô hình sinh kế như nuôi lợn, nuôi gà, trồng lúa nước, trồng rừng... Dần dần, nếp nghĩ và cách làm của người Rục có nhiều đổi mới, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Già làng, trưởng bản khuyên bỏ rượu nên tôi cũng nghe theo bỏ dần. Đặc biệt khi có hương ước, ai say xỉn sẽ bị phạt tôi bỏ hẳn. Từ khi bỏ được rượu tới giờ người khỏe ra. Sáng sớm dậy nấu cháo cho heo ăn, soạn sửa nhà cửa. Trên nương thì bây giờ cũng trồng cây keo, cây lớn rồi, thỉnh thoảng lên rừng chăm sóc cây", ông Vinh cho biết.
Bỏ rượu, ông Vinh quan tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ gia đình ông Vinh mà nhiều hộ dân ở bản "nói không với vấn nạn say xỉn". Những con người từng quên nương rẫy nay mạnh dạn vay vốn trồng rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình.
Giờ đây ở bản làng của người Rục đã có hơn 5,3ha lúa nước, 4,7ha ngô. Cơ bản bà con làm chủ được lương thực tại chỗ, sau khi kết thúc mùa vụ, nhiều người còn tham gia làm nghề bốc vác gỗ keo tràm, phụ hồ để có thêm thu nhập. Không chỉ đủ ăn mà nhiều gia đình còn có tích lũy, nhiều hộ làm đơn tự nguyện thoát khỏi hộ nghèo.
Đồng bào Rục tại xã Thượng Hóa dần từ bỏ các thói quen xấu, chú trọng phát triển đời sống.
Đại úy Võ Huy Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, người Rục dần từ bỏ các thói quen xấu, từng bước hòa nhập cộng đồng, chủ động được lương thực tại chỗ sau mỗi vụ mùa. Đời sống vật chất, tinh thần của dân bản được nâng lên, bà con người Rục tự hào đã nuôi dạy con em đỗ vào đại học, cao đẳng.
GiadinhNet - Sau 5 năm triển khai Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), đời sống đồng bào người Chứt đang dần ổn định, các tập tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết tồn tại lâu đời được xóa bỏ.