Chuyên mục  


Theo báo cáo tài chính vừa công bố của Tập đoàn Masan (MSN), WinCommerce - công ty con vận hành siêu thị Winmart và cửa hàng Win - ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 8.600 tỷ đồng. Kết quả trên được đóng góp chủ yếu bởi các mô hình cửa hàng mới như Win (khu vực thành thị) và WinMart+ Rural (khu vực nông thôn), đạt mức tăng trưởng cửa hàng hiện hữu (LFL) so với cùng kỳ lần lượt là 12,5% và 11,5%. Mô hình cửa hàng truyền thống cũng tăng 8%.

Lợi nhuận sau thuế của WinCommerce đạt 20 tỷ đồng trong quý III, lần đầu tiên kể từ đại dịch. Trước đó, công ty cũng báo lãi dương trong tháng 6 nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Các siêu thị WinMart đạt lợi nhuận hoạt động (EBIT) dương trong khi tăng trưởng doanh thu không thay đổi, chủ yếu nhờ tỷ lệ hao hụt được cải thiện.

Lũy kế 9 tháng, chuỗi bán lẻ hiện đại này đạt doanh thu khoảng 24.404 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi ngày, họ ghi nhận hơn 89 tỷ doanh thu.

Tính đến cuối tháng 9, WinCommerce vận hành 3.733 siêu thị và cửa hàng, mở thêm 60 điểm bán mới trong quý III. Trả lời VnExpress hồi cuối tháng 8, đại diện công ty khẳng định đã hoàn tất tái cấu trúc và trở lại chiến lược mở rộng điểm bán, tập trung vào các mô hình riêng biệt cho từng khu vực và phân khúc khách hàng.

Khách đang lựa trái cây tại một siêu thị Winmart. Ảnh: MSN

Bán lẻ là một trong hai động lực chính cho kết quả kinh doanh của Masan, bên cạnh mảng sản xuất hàng tiêu dùng của Masan Consumer (MCH). Công ty con này đạt mức tăng trưởng doanh thu 10,4% lên mức 7.987 tỷ đồng ở quý III. Trong đó, ngành hàng có tốc độ tăng cao nhất lần lượt là đồ uống, chăm sóc gia đình và cá nhân, thực phẩm tiện lợi, gia vị...

Mảng sản xuất hàng tiêu dùng có biên lợi nhuận gộp 46,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý III/2023 nhờ triển khai chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi. Tỷ lệ trên được hiểu là Masan Consumer bán ra 10 đồng, lãi gần 5 đồng, chưa tính nhóm các chi phí cố định (tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp).

Cùng với sự tăng trưởng của mảng sản xuất thịt Masan Meatlife và chuỗi đồ uống Phúc Long, Tập đoàn Masan ghi nhận khoảng 21.487 tỷ đồng doanh thu trong quý III, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Công ty cho biết mảng tiêu dùng bán lẻ đã giúp bù đắp hoạt động tái cấu trúc mảng gà trang trại và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn tạm thời của Masan High-Tech Materials.

Lợi nhuận sau thuế của Masan đạt hơn 1.301 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với quý III/2023 và đạt mức cao nhất khoảng hai năm rưỡi qua. Nếu tính con số sau phân bổ cổ đông thiểu số, lợi nhuận sau thuế kỳ này của tập đoàn Masan đạt 701 tỷ đồng, gấp 14,6 lần cùng kỳ.

MSN cho biết nhờ mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ giúp cải thiện lợi nhuận và họ tích lũy thêm 788 tỷ nhờ chi phí lãi vay ròng giảm và việc không phát sinh chi phí do biến động tỷ giá hối đoái.

Masan đã phòng ngừa rủi ro toàn bộ khoản vay USD dài hạn kể từ đầu năm, điều này đã giúp giữ vững được kết quả kinh doanh trước những tác động tiêu cực của biến động tỷ giá. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay ròng cải thiện 277 tỷ đồng nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và nguồn vốn tăng thêm trong kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, MSN ghi nhận 60.476 tỷ đồng doanh thu và 2.726 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu chỉ nhích thêm 5%, lợi nhuận đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước và vượt 30% kế hoạch cả năm.

Tất Đạt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020