Chuyên mục  


Vào tháng 8/2022, Nima đã chinh phục đỉnh đầu tiên trong số 14 ngọn núi cao hơn 8.000 m, khi bước chân lên đỉnh Manaslu cao thứ 8 thế giới (8.163 m) ở tuổi 16, trở thành thiếu niên đầu tiên làm được điều này.

Nima đã chinh phục Everest vào tháng 5/2023. Hồi tháng 6, cậu leo lên đỉnh Kanchenjunga, thiết lập kỷ lục người trẻ nhất leo lên ngọn núi cao thứ ba thế giới.

Thử thách cuối cùng của Nima là đỉnh Shishapangma cao 8.027 m ở Tây Tạng vào tháng tới. Chinh phục tất cả 14 đỉnh núi hơn 8.000 m được giới leo núi nhìn nhận là đỉnh cao của bộ môn này.

Nima Rinji Sherpa chinh phục đỉnh núi cao thứ 10 thế giới Annapurna (8.091 m) ở phía bắc Nepal ngày 28/3. Ảnh: AFP

Reinhold Messner, nhà leo núi người Italy, là người đầu tiên chinh phục 14 ngọn núi vào năm 1986. Chỉ có 40 nhà leo núi nối tiếp thành công của ông. Nhiều người đã chết trong hành trình này. Tất cả các ngọn núi đều nằm trên dãy Himalaya và dãy Karakoram lân cận, trải dài qua Nepal, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Để leo được lên đỉnh, người ta phải đi vào vùng không khí loãng tử thần, nơi không đủ oxy để duy trì sự sống trong lâu dài. "Khi ở trên núi, tôi có thể chết bất kỳ lúc nào", Nima nói. "Khi đó người ta cần nhận ra mạng sống quan trọng thế nào".

Chàng trai cho hay núi đã dạy cậu cách giữ bình tĩnh. "Về tinh thần, tôi tự thuyết phục bản thân mỗi khi thấy tuyết lở, thời tiết xấu, tai nạn, tôi không vội vàng, không mất ý chí", Nima tâm sự. "Tôi tự thuyết phục bản thân đây là việc bình thường trên núi và cách làm này thực sự hữu ích".

Xuất thân từ nhóm người dân tộc Sherpa nổi tiếng với tài leo núi, cậu đã quen thuộc với núi từ bé. Chú của cậu là Mingma Gyabu 'David' Sherpa, đang giữ kỷ lục là người trẻ nhất chinh phục 14 đỉnh núi khi đạt được danh hiệu này năm 2019 ở tuổi 30.

Bố cậu, Tashi Sherpa, lớn lên ở huyện Sankhuwasabha xa xôi, thường đi chăn bò trước khi tham gia leo núi cùng anh chị em. Hai anh em đang sở hữu công ty thám hiểm leo núi lớn nhất Nepal là Seven Summit Treks và một công ty con là 14 Peaks Expedition.

"Tôi xuất thân từ gia đình khá giả", Nima nói. "Nhưng leo núi đã dạy cho tôi biết thế nào là khó khăn và giá trị thực sự của cuộc sống".

Nima lớn lên ở thủ đô Kathmandu, từng thích quay phim và chụp ảnh hơn là nối nghiệp cha. "Cả gia đình tôi đều theo nghiệp leo núi. Tôi gắn bó với leo núi và thám hiểm từ nhỏ", Nima nhớ lại. "Nhưng khi đó, tôi chưa bao giờ muốn theo đuổi leo núi một cách nghiêm túc".

Thay vào đó, cậu thường đem máy ảnh lên núi mỗi khi nghỉ học kỳ. Nhưng hai năm trước, Nima đã bỏ lại máy ảnh để theo đuổi leo núi chuyên nghiệp và phá vỡ nhiều kỷ lục.

"Tôi học được rất nhiều điều về thiên nhiên, cơ thể, tâm lý con người", Nima nói. "Tôi học được mọi điều trên thế giới từ núi".

Nima, 18 tuổi, tại nhà riêng ở thủ đô Kathandu ngày 5/8. Ảnh: AFP

Thời gian không leo núi, Nima chạy bộ trên máy mỗi ngày và tránh ăn vặt.

"Về mặt thể chất và tinh thần, con rất hợp leo những ngọn núi khó", ông Tashi Sherpa nói với con trai, đồng thời nhấn mạnh đã giúp con rèn luyện trong nhiều năm để chuẩn bị cho thử thách này.

"Con trai tôi sẽ truyền cảm hứng cho những người mới", ông nói.

Các hướng dẫn viên leo núi người Nepal, thường là người Sherpa bản địa sinh sống ở các thung lũng quanh Everest, được coi là xương sống của ngành leo núi ở dãy Himalaya. Họ làm công việc cõng thiết bị, thực phẩm, sửa dây thừng và sửa thang cho những vị khách nước ngoài sẵn sàng chi trả hơn 45.000 USD để leo Everest.

Các Sherpa vốn sống kín tiếng dưới cái bóng của những vị khách thuê họ, nhưng những năm gần đây, họ đang dần được công nhận đúng giá trị.

"Mục tiêu của tôi là biến leo núi thành môn thể thao chuyên nghiệp", Nima nói.

Thần tượng của cậu là Tenzing Norgay Sherpa, người đầu tiên leo lên đỉnh Everest cao nhất thế giới cùng Edmund Hillary, công dân New Zealand. Cậu cho rằng Norgay là huyền thoại trong bộ môn leo núi cũng như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo trong bóng đá. "Norgay ở đẳng cấp đó", Nima nói.

Sau khi chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động leo núi thương mại đối với núi, cậu muốn áp dụng phương pháp tiếp cận bền vững hơn trong bộ môn này và muốn theo học ngành khoa học môi trường.

"Đó là mục tiêu cao hơn", cậu bày tỏ. "Khi mới bắt đầu leo núi, tôi chỉ leo đơn thuần vì bản thân. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng chúng ta có thể làm được rất nhiều điều và có nhiều cách để giúp đỡ cộng đồng".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020