Chuyên mục  


"Ăn dè các chỉ tiêu tăng trưởng"

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cho biết, huy động vốn 4 tháng qua tăng nhẹ 1,7% so với đầu năm, tín dụng tăng khoảng 1%.

Năm nay, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của ngân hàng (theo dự kiến được các cơ quan quản lý Nhà nước giao) là hơn 13.640 tỷ đồng. Theo bà Phượng, đây là con số rất thách thức trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân hàng sẽ phải dự liệu cho chi phí trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

"Agribank đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, trong đó có cơ cấu nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, các gói tín dụng ưu đãi, miễn giảm lãi, miễn phí dịch vụ thanh toán trong nước", bà Nguyễn Thị Phượng chia sẻ.

Năm 2020, lợi nhuận của ngân hàng đạt gần 13.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng...

Tuy nhiên, theo bà Phượng, ngân hàng luôn trong tình trạng "ăn dè các chỉ tiêu tăng trưởng". Bà Phượng lý giải, vốn điều lệ của ngân hàng hiện đạt hơn 34.000 tỷ đồng (sau khi đã được cấp bổ sung thêm 3.500 tỷ đồng đầu năm nay) - thấp nhất trong "Big 4" và một số ngân hàng cổ phần tư nhân - trong khi quy mô dư nợ của ngân hàng rất lớn.

Số lượng khoản vay của ngân hàng đứng đầu thị trường, khoảng hơn 3,7 triệu khoản vay. Khoản vay có quy mô dưới 50 triệu đồng là 337.000 khoản vay, các khoản vay nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ rất cao, chi phí hoạt động lớn.

Do quy mô vốn điều lệ thấp, trong khi dư nợ cho vay đứng đầu thị trường nên ngân hàng luôn bị giới hạn bởi hệ số an toàn vốn (hệ số CAR). 2020 là năm ngân hàng kết thúc đề án tái cơ cấu giai đoạn 2, 7/8 mục tiêu đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn duy nhất một mục tiêu không đạt là nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ và nâng hệ số an toàn vốn.

"Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhiều vào dư địa mở rộng tín dụng, bị hạn chế bởi hệ số an toàn vốn nên vốn được sử dụng một cách tiết kiệm, chủ yếu tập trung hỗ trợ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản của chúng tôi thấp nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, với tỷ trọng chỉ hơn 1% (1,3%) dư nợ, tương đương 14.547 tỷ đồng", bà Phượng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, chia sẻ về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ông Phùng Văn Hưng Quang - Kế toán trưởng Agribank - chia sẻ khó khăn của ngân hàng trong những năm qua là vấn đề về vốn. Vốn điều lệ trên 34.000 tỷ đồng là một khó khăn rất lớn trong việc nâng cao năng lực tài chính đối với ngân hàng thương mại Nhà nước. Agribank gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vốn cấp từ nguồn ngân sách. Năm 2020 được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng nhưng hệ số vốn vẫn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng cổ phần tính trên tổng tài sản.

"Khó khăn lớn nhất của Agribank hiện nay là làm sao vốn điều lệ tương xứng với quy mô hoạt động. Trong điều kiện việc cấp vốn từ ngân sách Nhà nước hiện nay còn khó khăn thì việc tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ là một giải pháp của Agribank để chủ động tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ thị trường, nếu không chúng tôi luôn trong trạng thái thiếu vốn.

Thiếu vốn thì năng lực tài chính rất hạn chế, đầu tư vào công nghệ, tài sản đều trông vào nguồn vốn này, trong khi Agribank vẫn phải giữ được mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo lợi ích người lao động, lợi nhuận tăng trưởng 5-7% so với 2020", Kế toán trưởng Agribank nhấn mạnh.

Bà Phượng cho biết, các khoản vay không có tài sản đảm bảo, ngân hàng phải áp dụng hệ số rủi ro 100%, trong khi đó cho vay theo Nghị định 55, các khoản vay dưới 200 triệu đồng không yêu cầu tài sản đảm bảo.

"Đây cũng là một trong những ảnh hưởng rất nhiều đến hệ số an toàn vốn. Với Agribank, các chỉ tiêu tăng trưởng cứ phải ăn dè là thế", bà Phượng chia sẻ.

Cổ phần hóa chậm do còn vướng 109 mảnh đất chưa được phê duyệt

Ông Phùng Văn Hưng Quang tiết lộ, trong tuần này Agribank sẽ trình Ngân hàng Nhà nước phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2026. Trong đó, đề xuất giải pháp cấp vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc sớm chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng cổ phần.

"Nếu đến 31/12 năm nay mà có quyết định cổ phần hóa cũng là may mắn cho ngân hàng, tạo điều kiện tăng vốn từ thị trường", ông Quang bình luận.

Đề cập tới ý kiến cho rằng ngân hàng không muốn cổ phần hóa nên kéo dài thời gian, bà Phượng nói "đây là nỗi trăn trở, sốt ruột, mong ngóng đối với chúng tôi. Cứ phải ăn đong, không có cách nào khác cả, chúng tôi không thể hàng năm cứ phát hành trái phiếu mãi được, phát hành cũng phải có giới hạn mà dư nợ thì mỗi năm đều có nhu cầu tăng trưởng. Chúng tôi vô cùng sốt ruột với cổ phần hóa!".

Giai đoạn 2016-2020, khi Agribank có quyết định chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ, thì Agribank đã quyết liệt, chủ động thực hiện các công việc chuẩn bị cho cổ phần hóa.

Tuy vậy, Agribank phải mất một khoảng thời gian để thực hiện Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành về quản lý tài sản công. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn những vướng mắc lớn về xác định giá trị đất đai, giá trị doanh nghiệp cho nên Agribank chưa được Nhà nước ban hành quyết định cổ phần hóa.

"Vấn đề đất đai là vấn đề lớn nhất của chúng tôi khi chuẩn bị cổ phần hóa. Nếu không được phê duyệt phương án sử dụng đất thì Ngân hàng Nhà nước không thể ra quyết định cổ phần hóa được.

Agribank có rất nhiều đất đai đa dạng nguồn hình thành, trải khắp đất nước, nhiều tài sản được chuyển giao nguyên trạng từ Ngân hàng Nhà nước sang khi ngân hàng được thành lập; do vậy, hồ sơ, thủ tục còn nhiều bất cập, vướng mắc", ông Chu Mạnh Hùng - Phó Ban Cổ phần hóa Agribank - nói.

Theo ông Hùng, hiện Agribank còn 109/2.174 cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt, số này chiếm tỷ lệ nhỏ (chiếm khoảng 5%) nhưng là những mảnh đất "xương xẩu" nhất, về hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, thậm chí có tranh chấp.

Agribank hiện có gần 3 triệu m2 đất. Để sớm được cổ phần hóa, Agribank mong muốn nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để sớm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không đơn giản

"Qua quá trình chuẩn bị, chúng tôi cũng nhận thấy có những khó khăn vướng mắc sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện cổ phần hóa sau này, ví dụ như việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi IPO", ông Hùng nói và dẫn chứng thực tế 3 ngân hàng Nhà nước đã cổ phần hóa cũng phải mất 3-8 năm sau khi IPO mới tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

"Vậy nên nếu yêu cầu Agribank phải có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi IPO là rất khó khăn trong điều kiện hiện nay", ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, việc xác định trước có hay không có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cổ phần hóa của ngân hàng.

Trong tiến trình cổ phần hóa, Chính phủ thường yêu cầu phải có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng năng lực tài chính, tăng công nghệ, quản trị điều hành, tăng tính minh bạch. "Nhưng theo khảo sát của chúng tôi và các đơn vị tư vấn, việc Agribank có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi IPO trong giai đoạn này là rất khó khăn, chưa kể đến dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành cũng gây trở ngại đối với việc tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài", ông Hùng thông tin.

Giải thích cho điều này, ông Hùng nói, nếu phải có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi IPO thì khi xây dựng kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa, dự toán chi phí, xây dựng hồ sơ đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, các đơn vị tư vấn tham gia rất phức tạp và phải mang tính quốc tế.

"Thời gian gần đây, chúng tôi cũng thường xuyên báo cáo Ngân hàng Nhà nước để đề xuất xin định hướng của Chính phủ về việc này", đại diện ngân hàng nhấn mạnh.

 Nguyễn Hiền

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020