Kiệt sức, căng thẳng chồng chất khiến bạn khó quyết định bất cứ việc gì chứ đừng nói đến những ý tưởng mới. Nhưng mọi người vẫn đang đợi các giải pháp đầy sáng tạo, bất chấp trạng thái tinh thần của bạn ra sao. Bạn sẽ làm gì?
Huấn luyện viên về quản lý thời gian, chuyên gia Elizabeth Grace Saunders đưa ra những ý tưởng dựa theo kinh nghiệm và khoa học về cách khiến bộ não chúng ta hoạt động tốt nhất để đưa ra sáng kiến.
Tạo an toàn tâm lý
|
Không ép bản thân nghĩ ra ý tưởng mới cụ thể ngay. Ảnh: Pixabay |
Để bắt đầu, bạn cần bỏ qua việc cố gắng giục bản thân nghĩ ra điều gì đó sáng tạo. Nếu đang căng thẳng thì việc ép buộc bản thân có thể khiến bạn thêm căng thẳng. Điều này khiến bạn rơi vào tình trạng ngược là ít sáng tạo hơn.
Vì vậy, thay vì nghĩ "Tôi phải sáng tạo" hoặc "Phải thực hiện điều này ngay bây giờ", thì tốt hơn nên tự nhủ kiểu: "Tôi sẽ xem điều gì xảy ra", "Tôi sẽ khám phá khả năng này" hay "Tôi sẽ xem thử một vài ý tưởng khác." Việc tạo cảm giác an toàn tâm lý giúp bạn không bị áp lực làm suy giảm hiệu suất làm việc.
Khuyếch tán tư duy
Khi tạo được an toàn về mặt tâm lý, hãy thực hiện các hoạt động có thể khuyếch tán tư duy. Kiểu tư duy này giúp bộ não hoạt động thoải mái hơn, dễ kết nối giữa các phần khác nhau hơn so với trạng thái tập trung suy nghĩ. Các hoạt động như đi bộ, ngủ trưa, ăn uống hoặc nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn khuếch tán tư duy, mở mang đầu óc cho những khả năng mới.
Để tối đa hóa các lợi ích trong lúc đó, hãy tránh để tâm trí tìm tòi một ý tưởng cụ thể. Ví dụ, bạn có thể tạo thói quen cho não qua những lời tự nhủ: "Điều gì có thể khiến cho chương trình khuyến mãi này thành công?" hoặc "Điều gì xảy ra nếu chúng ta tiếp cận khách hàng theo cách khác?". Sự cởi mở tâm trí và không khắt khe đối với chất lượng hay số lượng tư duy sẽ mang lại sự sáng tạo.
Tìm "nơi hạnh phúc"
|
Thả trôi suy nghĩ trong môi trường bạn cảm thấy thoải mái nhất. Ảnh: Pixabay |
Elizabeth Grace Saunders thấy sáng tạo nhất khi tránh xa máy tính và đặt bản thân trong "nơi hạnh phúc". Trong những tháng ấm áp, cô thường ra ngoài, đi dọc theo hồ nước. Trong những tháng lạnh, cô ở trong quán cà phê có lò sưởi. Môi trường tươi sáng, yên bình mang lại hăng hái và khả năng sáng tạo.
Một số người tìm thấy không gian vui vẻ và sáng tạo của bản thân trong các thư viện, bảo tàng nghệ thuật hoặc thậm chí trong lúc dạo quanh các cửa hàng thời trang. Hãy nhận rõ môi trường tự nhiên nào mang lại cho bạn niềm vui. Những suy nghĩ tích cực sẽ được nảy sinh trong môi trường đó.
Cung cấp dữ liệu
Nếu vẫn cảm thấy bế tắc, bạn nên cung cấp nhiều dữ liệu hơn cho bộ não. Việc này giống như tham gia chuyến đi thực địa, đến nơi bạn có thể thấy các giải pháp đầy sáng tạo của người khác cho vấn đề tương tự, hoặc trò chuyện cùng các chuyên gia. Đôi khi, thông qua cách tìm hiểu những gì người khác đã làm, bạn có thể đưa ra cách mới để giải quyết tình huống của bản thân.
Tăng cường cộng tác
|
Hai hay nhiều bộ não có thể làm việc hiệu quả hơn là một. Ảnh: Pixabay |
Nhằm tăng thêm cơ hội đột phá, hãy cộng tác với người khác. Xen kẽ giữa tư duy độc lập với thời gian làm việc nhóm là cách hiệu quả nhất để phát triển sáng tạo. Hãy thảo luận cùng các đồng nghiệp, cùng đi uống café với bạn bè hoặc nhờ chuyên gia tư vấn. Hai hay nhiều bộ não có thể làm việc hiệu quả hơn là một. Quá trình nói chuyện, thông qua các ý tưởng, có thể kích thích những suy nghĩ mới và thách thức tư duy của bạn.
Cho não thời gian
Cuối cùng, hãy cho bản thân thời gian. Khi bộ não hoạt động hết công suất, bạn có khả năng nảy ra những tư duy sáng tạo vội vàng. Nhưng khi hoạt động ít công suất hơn, bạn sẽ có cơ hội thành công cao hơn, vì não có thời gian thấm nhuần ý tưởng trong vài ngày.
Không dễ để có đột phá khi tâm trí trống rỗng và tất cả những gì bạn muốn làm là thoát khỏi hiện tại. Tuy nhiên, bằng cách đặt bản thân vào trạng thái tinh thần và môi trường phù hợp, bạn vẫn có thể sáng tạo.
Phiên An (theo Harvard Business Review)