Chuyên mục  


Doanh nghiệp của chị Ý Nhi (TP HCM) mỗi tháng phải xuất 2 lô hàng hạt tiêu đi Australia. Container hạt tiêu của doanh nghiệp này được chuyển qua cảng Singapore hoặc Malaysia, sau đó chờ tàu nối sang Australia.

"Tôi phải theo dõi các chuyến tàu này rất sát sao, chỉ thở phào khi tàu đã cặp bến", chị Ý Nhi chia sẻ. Chị cho biết không yên tâm là tâm trạng chung của các chủ hàng khi xuất khẩu hàng hóa đi Úc bằng đường biển, do không có tuyến vận chuyển đi thẳng từ TP HCM.

Tàu của hãng CMA CGM đi tuyến châu Âu cập cảng CMIT làm hàng. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, nguồn cung thị trường cũng hạn chế dẫn đến mức cước cao và dễ biến động bất ngờ. Điều này dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, container phải xếp dỡ nhiều lần, doanh nghiệp không chủ động về cước vận chuyển.

Tuy nhiên, năm 2019, tình trạng này chắc chắn sẽ được cải thiện.

Lợi ích từ CPTPP:Cảng nước sâu được lợi

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn kiện có liên quan có hiệu lực chính thức với Việt Nam từ ngày 14/1.

Như thường lệ, các hiệp định FTA thường có xu hướng làm tăng xuất khẩu sang các nước ký kết hiệp định. Theo một tính toán được công bố bởi Ngân hàng Thế giới cho trường hợp CPTPP thì tính đến năm 2030, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 13,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở, một con số không nhỏ, gần bằng giá trị xuất khẩu của mặt hàng giày dép trong năm 2018 của Việt Nam (16,3 tỷ USD).

Lượng hàng xuất khẩu tăng đồng nghĩa với khả năng các tuyến hàng hải trực tiếp đến các thị trường xuất khẩu mục tiêu được hiện thực hóa. Đây là điều không phải do doanh nghiệp xuất khẩu hàng quyết định, mà chính là các hãng tàu.

Đối với các thị trường xuất khẩu tuyến trung bình và tuyến xa, trước năm 2009, các hãng vẫn sử dụng các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như Hong Kong, Singapore, Klang (Malaysia),.. để trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các hãng tàu phải khai thác như vậy bởi trước đó, Việt Nam không có cảng container nước sâu nào.

Nhưng kể từ tháng 6/2009, khi cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đi vào hoạt động, đã có những tuyến hàng hải trực tiếp kết nối Việt Nam đến các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Những tuyến dịch vụ được các hãng tàu lớn nhất thế giới như Maersk, CMA-CGM, MSC, NYK, COSCO, Evergreen.. triển khai với cỡ tàu từ 8.000 TEU lên đến 18.000 TEU, cỡ tàu rất lớn mà không nhiều cảng trên thế giới có thể tiếp nhận.

Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) ở Lạch Huyện cũng sẽ đón tuyến dịch vụ đi Bắc Mỹ trong năm 2019 này, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên có tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp từ các cảng miền Bắc Việt Nam đến thị trường Mỹ.

Nhưng không dừng lại ở các tuyến biển xa, sự ra đời của các cảng nước sâu kết hợp với tiến trình ký kết các FTA của Việt Nam trong thời gian qua cũng đã giúp cho các hãng tàu đưa các tuyến trung bình đến Việt Nam, điển hình là các tuyến dịch vụ kết nối Ấn Độ hay châu Phi với Việt Nam.

Các tuyến này có thể không sử dụng tàu mẹ, nhưng những con tàu 4.000-5.000 TEU không thể vào các cảng ở TP HCM hay Hải Phòng trước đây, nay đã có thể ghé trực tiếp vào Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện hay Cái Lân.

Các hãng tàu như Hapag-Lloyd, Hyundai, ZIM, Yang Ming.. đều đã đưa các tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam - Ấn Độ vào các cảng nước sâu ở Việt Nam. Hay một số hãng mạnh trên thị trường châu Phi như Maersk, ZIM, MOL đã từng đưa tàu trực tiếp từ các nước châu Phi về cảng TCIT và TCTT ở Cái Mép - Thị Vải để dỡ lượng hàng hạt điều thô nhập về Việt Nam.

Cơ hội cho Cái Mép - Thị Vải

Năm 2019 sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng mới đối với hệ thống cảng biển Việt Nam. Nhằm đón đầu lượng hàng tăng trưởng từ CPTPP, các hãng tàu sẽ triển khai tuyến dịch vụ đầu tiên kết nối trực tiếp Việt Nam và Australia, 2 thành viên trong CPTPP với kim ngạch hai chiều trong 10 tháng năm 2018 đạt gần 6,4 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực sang Australia như điện thoại và linh kiện, giày dép, hàng dệt may, thủy sản, gỗ.. Đồng thời, nhập về các mặt hàng cần thiết như bông, lúa mì, than, sắt phế liệu… Với CPTPP, thương mại giữa hai nước sẽ tăng đáng kể và rõ ràng những tuyến hàng hải trực tiếp giữa hai nước là hoàn toàn khả thi.

Hãng tàu Pháp CMA-CGM, hiện là hãng tàu container lớn thứ tư trên thế giới sẽ là hãng tiên phong thực hiện tuyến dịch vụ này trong năm 2019 thông qua 2 hãng trực thuộc là APL và ANL. Theo công ty tư vấn hàng hải Alphaliner, tuyến dịch vụ này (có tên là AAX2) sẽ bao gồm 5 tàu với hải trình đi từ cảng TP HCM qua các cảng ở Đông Nam Á là Klang, Singapore và Jakarta, sau đó sẽ cập ba cảng lớn tại Australia là Brisbane, Sydney và Townsville rồi quay lại TP HCM.

Tuy nhiên khả năng cao là các cảng ở TP HCM sẽ không được lựa chọn để triển khai tuyến dịch vụ này do vấn đề cỡ tàu. Trong số 20 tuyến dịch vụ từ châu Á đi châu Đại Dương hiện nay, cỡ tàu phổ biến nhất được các hãng sử dụng là cỡ tàu trên 4.200 TEU, chỉ có ba tuyến dùng tàu dưới 4.000 TEU, là cỡ tàu ghé ít cảng hoặc dùng để khai thác tại các cảng ở New Zealand, thị trường có lượng hàng hóa ít hơn so với Australia. Với đặc tính khai thác của tuyến đi Australia, APL/ANL nhiều khả năng sẽ sử dụng cỡ tàu đến hơn 5.000 TEU và như vậy tuyến dịch vụ này chắc chắn sẽ phải cập một trong các bến cảng tại Cái Mép - Thị Vải.

CMA-CGM là hãng triển khai đầu tiên, và nếu hãng này triển khai thành công, những hãng khác cũng khá mạnh trên thị trường Australia và New Zealand như Maersk, COSCO, Ocean Network Express.. chắc chắn sẽ không ngồi yên.

Chỉ mới có hiệu lực chưa lâu, nhưng CPTPP sẽ sớm giúp ngành các cảng nước sâu Việt Nam có được những lợi ích nhất định.

Theo Đặng Dương

Người đồng hành

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020