Trong buổi tọa đàm ngày 12/1, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, cho rằng phân bổ tài sản là vấn đề quan trọng hàng đầu trong đầu tư tài chính. Để có một danh mục tối ưu, nhà đầu tư cần xác định hồ sơ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng, sau đó xác định chu kỳ của kinh tế và của các kênh đầu tư, cuối cùng mới xây dựng danh mục đầu tư.
"Xác định chu kỳ kinh tế là bước rất quan trọng, tác động lớn tới hiệu suất đầu tư, tuy nhiên nhiều người lại bỏ qua hoặc xem nhẹ. Thà chọn sai kênh tài sản ở một chu kỳ đúng, còn hơn chọn đúng nơi rót tiền ở một chu kỳ sai", ông Huấn nhấn mạnh.
Ông Ngô Thành Huấn, CEO FIDT, trình bày trong buổi tọa đàm hôm 12/1. Ảnh: FIDT
Nhóm phân tích FIDT cho rằng hiện tại, Việt Nam ở chu kỳ phục hồi ban đầu. Dấu hiệu nhận biết là lãi suất chạm đáy, đang bắt đầu nhích nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp trong nhiều năm. Ở mặt vĩ mô, GDP tăng vượt mục tiêu với mức 7,09% năm 2024, sản xuất công nghiệp cũng hồi phục. Doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng trưởng nhưng tồn kho ở mức thấp. Nhu cầu tín dụng được đáp ứng dễ dàng hơn. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu bắt đầu tăng.
Với việc nhận định kinh tế đang trong chu kỳ phục hồi ban đầu, FIDT gợi ý kênh đầu tư phù hợp sẽ gồm bất động sản, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) và vàng.
"Năm nay là vùng mua tốt với bất động sản. Nếu cần tăng trưởng tài sản, có thể mua cổ phiếu và trái phiếu. Còn với vàng, nhà đầu tư không nên mua thêm nhưng vẫn chưa cần bán sớm", ông Huấn nói thêm.
Theo đó, nhóm phân tích FIDT đưa ra ba tỷ trọng danh mục đầu tư khuyến nghị cho năm 2025, tùy theo hồ sơ rủi ro mỗi người. Nhìn chung với thói quen của đa số người Việt, đơn vị này vẫn dành tỷ trọng từ một nửa trở lên cho bất động sản, họ khuyến khích những sản phẩm có nhu cầu dân sinh cao với giá trị nhỏ. Theo sau là cổ phiếu, tiếp tới là gửi tiết kiệm ngân hàng, còn lại mới dành cho trái phiếu và vàng.
Tại tọa đàm, ông Lê Bảo Long, Giám đốc marketing nền tảng Batdongsan, cho rằng thị trường đã trải qua điểm đảo chiều từ đầu năm 2024 và tiến tới giai đoạn thăm dò những tháng cuối năm. Sang năm nay, nền tảng này dự báo bất động sản có thể bước sang giai đoạn củng cố.
Nhận định trên dựa vào thực tế nguồn tiền tham gia thị trường đang cải thiện, sôi động nhất là khu vực phía Bắc. Song song đó, bộ ba Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch, giúp thị trường phát triển bền vững. Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng được dự báo vẫn kiên định nới lỏng, lãi suất có thể tăng nhưng chỉ nhích nhẹ.
Thời gian tới, Batdongsan cho rằng địa ốc có thể dần khởi sắc. Các kỳ vọng hỗ trợ dự báo trên gồm tiềm năng phát triển kinh tế và đầu tư, thị trường khôi phục nguồn cung và tăng trưởng giá.
Trong khi đó, FIDT tiếp tục nhấn mạnh vào các sản phẩm có nhu cầu ở thực. Họ cho rằng quá trình phục hồi của ngành bất động sản năm 2025 sẽ bị tác động bởi 3 yếu tố: giá đang quá cao tại Hà Nội, tiến độ gỡ vướng pháp lý và sức khỏe thực của nền kinh tế. Nếu các yếu tố này tạo nên ảnh hưởng quá nặng nề, quá trình phục hồi có thể bị chững lại và tình trạng tắc nghẽn sẽ tiếp tục kéo dài.
Bàn về tiềm năng chứng khoán, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu đầu tư FIDT, cho rằng VN-Index đang đi ngang theo chiều hướng giảm nhưng cuối năm nay có thể đóng cửa trên 1.300 điểm với phổ giá dự báo 1.320-1.540 điểm. Định giá thị trường vẫn hấp dẫn khi P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) chỉ quanh 13 lần hay P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) khoảng 1,7 lần. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường dự báo tăng 16% với tiềm năng lớn đến từ ngành ngân hàng, công nghệ, bất động sản. Cơ hội lớn từ nâng hạng thị trường đến gần.
"Nếu quên đi nỗi đau ngắn hạn hiện tại, cơ hội dài hạn rất lớn", ông Huy nêu quan điểm.
Ở kênh trái phiếu, trải qua đợt khủng hoảng niềm tin từ năm 2022 đến nay, FIDT cho rằng thị trường đã dần phục hồi nhờ pháp lý hoàn thiện. Với Luật Chứng khoán sửa đổi, rủi ro sẽ giảm thiểu, gia tăng quyền lợi của trái chủ. Xu hướng năm nay được cho là các doanh nghiệp sẽ tăng phát hành mới với lãi suất cao hơn, trong khi tình trạng chậm trả gốc và lãi hạ bớt. Thanh khoản giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng dự kiến được phục hồi.
Nhà đầu tư bối rối trong một phiên thị trường chứng khoán giảm vào tháng 10/2024. Ảnh: An Khương
Năm trước, giá vàng thế giới tăng khoảng 28% nhờ các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư mua mạnh, dù nhu cầu tiêu dùng giảm. Lãi suất thấp, USD suy yếu và rủi ro địa chính trị đã thúc đẩy hiệu suất ấn tượng này. Trong nước, vàng miếng SJC tích lũy gần 14% lên 84,2 triệu đồng mỗi lượng, còn vàng nhẫn tăng mạnh tới 33% để chốt năm ở 84 triệu đồng.
Tuy nhiên năm nay, theo ông Jack Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư Blockbase, kim loại quý có thể tăng trưởng khiêm tốn, trừ khi có nhu cầu vượt kỳ vọng từ các ngân hàng trung ương hoặc khủng hoảng tài chính kích thích dòng vốn an toàn. Ngược lại, lãi suất cao hơn có thể gây áp lực. Vai trò của Trung Quốc cũng rất quan trọng, phụ thuộc vào thương mại, kích thích kinh tế và rủi ro toàn cầu.
Dù ở kịch bản nào, FIDT cũng khuyến nghị chỉ rót 5% danh mục vào vàng. Họ cho rằng trước mắt nhà đầu tư không nên mua thêm nhưng vẫn chưa cần bán sớm, tức chỉ nắm giữ vàng để đảm bảo đa dạng danh mục và tăng vùng đệm hỗ trợ cho các lớp tài sản.
Tất Đạt