Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: GIA HÂN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
163.800 doanh nghiệp rút lui, tăng 21,5% so với cùng kỳ
Trước đó, đại biểu đề nghị phân tích, làm rõ tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay và giải pháp phát triển doanh nghiệp trong nước.
Từ đầu năm 2024 đến nay tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp.
Trong nước, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống người dân, đặc biệt là tác động của cơn bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên trước diễn biến khó lường, nhiều khó khăn, thách thức từ thế giới, khu vực nên doanh nghiệp nước ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.
Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng của năm 2024 là 86.900 doanh nghiệp. Phần lớn là doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 36.700 doanh nghiệp (chiếm 42,3%); quy mô nhỏ (dưới 10 tỉ đồng) với 77.700 doanh nghiệp (chiếm 89,5%).
Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể trong 9 tháng của năm 2024 là 61.500 doanh nghiệp, chủ yếu có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng với 53.400 doanh nghiệp (chiếm 86,8%).
Số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng của năm 2024 là 15.400 doanh nghiệp, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân khó khăn do đâu?
Rất nhiều mặt bằng tại TP.HCM chờ khách hàng thuê - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã thực hiện khảo sát và thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn về thị trường là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay.
Theo khảo sát xu hướng kinh doanh doanh nghiệp tháng 9 của Tổng cục Thống kê, trên 50% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn từ thị trường trong nước và áp lực cạnh tranh trên thị trường.
Thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, tập trung tháo gỡ vướng mắc, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để.
Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh... trong một số lĩnh vực còn chưa triệt để; công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa thống nhất.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Sức cầu trong nước phục hồi chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019.
Cùng với đó tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.
Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn; các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực đầu tư chưa được khai thác hiệu quả.
Ngoài ra theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới do tình hình thế giới khó lường, nhiều rủi ro, đặc biệt là xung đột quân sự tại Trung Đông, Ukraine và sự điều chỉnh chính sách của một số nước lớn.
Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Tăng trưởng tín dụng mặc dù có chuyển biến nhưng chưa được như kỳ vọng. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản năm 2024 lớn.
Nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ làm nguồn lực xã hội lớn, của cả tư nhân và Nhà nước bị tồn đọng trong các dự án, đất đai, trong khi doanh nghiệp bị thiếu nguồn lực để tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các luật về nhà đất
Trong số các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Trong đó tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng và các luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 như Luật Đầu tư công (sửa đổi), các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật về quy hoạch, đầu tư, chứng khoán, quản lý nợ công, đấu thầu, ngân sách nhà nước...